Trong phần này, Báo Bảo vệ giới thiệu đến bạn đọc về công tác giải quyết đơn khiếu tố của quần chúng nhân dân của Viện kiểm sát; hoạt động trên lĩnh vực kiểm sát quân sự; tổng kết quá trình 15 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân.
Tiếp 1.443 lượt người đến khiếu tố
Để nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền khiếu tố của nhân dân, nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành cùng các cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra toạ đàm bàn kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 176-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường trách nhiệm giải quyết đơn khiếu tố của quần chúng.
VKSND tối cao trực tiếp đi về một số địa phương, vừa nắm tình hình công tác xét giải quyết đơn khiếu tố của Ngành, vừa nắm tình hình công tác xét đơn khiếu tố của một số Ủy ban hành chính tỉnh và huyện, trên cơ sở đó đã trao đổi rút kinh nghiệm, đề xuất một số biện pháp cụ thể với Ủy ban hành chính địa phương nhằm phát huy vai trò của chính quyền trong việc chỉ đạo đôn đốc các ngành, các cấp, tăng cường trách nhiệm giải quyết đơn khiếu tố của quần chúng, tăng cường quan hệ công tác giữa Ủy ban hành chính và Viện kiểm sát để thiết thực bảo vệ quyền khiếu tố của quần chúng.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, công tác tiếp dân và xét giải quyết đơn khiếu tố còn một số khuyết điểm chủ yếu, như: Nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành, huyện, thị vẫn chưa xác định được vị trí công tác xét giải quyết đơn thư khiếu tố theo chức năng của Ngành. Nhiều địa phương vẫn chưa xuất phát từ nguồn khiếu tố và công tác xét giải quyết đơn khiếu tố của Ngành để nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm giải quyết đơn khiếu tố của các ngành, các cấp; đồng thời xem xét tình hình khiếu tố có liên quan đến công tác kiểm sát, đến trách nhiệm giải quyết thư khiếu tố của Ngành, để nghiên cứu, đề xuất tham mưu với lãnh đạo Viện cho chủ trương, đường lối giải quyết.
Số đơn thuộc về trách nhiệm phải giải quyết của ngành Kiểm sát ngày càng nhiều, chỉ tính riêng ở VKSND tối cao trong khâu hình sự và dân sự, năm 1972 đã nhận 1.894 đơn, năm 1973 nhận 1.531 đơn, nhưng việc giải quyết còn chậm.
Năm 1975, VKSND tối cao đã tiếp 1.443 lượt người đến khiếu tố (chưa kể số người mà các vụ, phòng nghiệp vụ tiếp) và đã nhận 10.415 đơn các loại. Qua tiếp dân, Ngành chú trọng phát hiện vi phạm và tội phạm có liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đến công tác làm án, chuyển cho các đơn vị trong ngành giải quyết 2.790 đơn. Đối với những đơn không thuộc thẩm quyền, VKSND tối cao đã hướng dẫn đương sự trực tiếp hoặc gửi đơn đến nơi có thẩm quyền giải quyết.
Ngành Kiểm sát quân sự có nhiều thay đổi lớn về tổ chức
Trên lĩnh vực kiểm sát quân sự, từ năm 1973 đến năm 1975, tổ chức ngành Kiểm sát quân sự có nhiều thay đổi lớn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của ngành quân đội và yêu cầu của cuộc kháng chiến như giải thể các Viện kiểm sát quân sự Sư đoàn, thành lập các Viện kiểm sát Quân đoàn 1, Viện kiểm sát Quân đoàn 2 ngày 17/5/1974. Tháng 7/1974, Viện kiểm sát quân sự Tổng cục Hậu cần được tách ra thành hai Viện.
Năm 1974, các Viện kiểm sát quân sự tổ chức được 14 cuộc kiểm sát chung, tập trung vào kiểm sát việc chấp hành các quy định phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Qua các cuộc kiểm sát chung, các Viện kiểm sát quân sự đã ra văn bản kiến nghị chỉ huy các cấp khắc phục các vi phạm. Trong năm 1974, toàn Ngành đã có 234 văn bản kiến nghị, được các cấp chỉ huy tiếp thu và sửa chữa.
|
|
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường reo hò tuần hành mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc, ngày 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu) |
Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ của quân đội rất nặng nề, đòi hỏi phải coi trọng cả hai yếu tố xây dựng con người và bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật quân sự, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống. Trước tình hình đó, tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát quân sự đã kịp thời chuyển sang trạng thái thời chiến, bám sát nhiệm vụ quân đội, bám sát chiến trường và đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định. Nhiều hình thức, biện pháp kiểm sát chung và kiểm sát án hình sự đã được các Viện kiểm sát quân sự kết hợp chặt chẽ, góp phần đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm có hiệu quả, củng cố được ý chí chiến đấu, duy trì được kỷ luật quân đội ở chiến trường, ổn định hậu phương.
Nhìn chung, trong giai đoạn 1960 - 1975, Viện kiểm sát quân sự các cấp đã quán triệt phương châm “Tích cực phòng ngừa vi phạm và tội phạm”. Số lượng các cuộc kiểm sát trong giai đoạn này là 2.650 cuộc, trong đó kiểm sát trực tiếp là 2.230 cuộc, tiêu biểu như một số cuộc kiểm sát trực tiếp ở Lữ đoàn Công binh Quân khu III về tổ chức thi công cầu phà phục vụ chiến đấu; ở Sư đoàn 350 về vấn đề xâm phạm tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ; kiểm sát trực tiếp về vấn đề giả mạo giấy tờ, làm chế độ thương binh giả ở các đoàn an dưỡng (Ninh Bình, năm 1973); vấn đề chuẩn bị cho bộ đội tác chiến trên chiến trường ở Quân đoàn 1, Quân đoàn 4... Hằng năm, Viện kiểm sát quân sự các cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử từ 1.200 đến 1.300 vụ.
Những thành tích và kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cơ sở tạo điều kiện cho các Viện kiểm sát quân sự thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổng kết quá trình 15 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân
Có thể khẳng định, sau hơn 15 năm ra đời, ngành Kiểm sát nhân dân đã có bước xây dựng và trưởng thành. Đội ngũ cán bộ của Ngành ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Mỗi bước trưởng thành về chính trị và tổ chức của Ngành đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và vai trò của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên - người đặt móng xây nền cho VKSND.
Trên cơ sở đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tham mưu để Đảng và Nhà nước ra những chủ trương, đường lối, chính sách ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, điều tra và phối hợp điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nhiều loại tội phạm. Hoạt động của ngành Kiểm sát đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.
Trong những năm đầu mới thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp các lực lượng phản cách mạng và tội phạm.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Hoạt động kiểm sát tập trung đấu tranh khắc phục những biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân, kịp thời nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích và phản động, đấu tranh chống các tội phạm gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến và xâm phạm chính sách hậu phương quân đội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của địch, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Kiểm sát nhân dân nhanh chóng tăng cường cán bộ cho miền Nam, tiếp thu những cơ sở của chế độ cũ để lại, xây dựng bộ máy tổ chức thống nhất trong toàn quốc, góp phần thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).