Phát hiện nhiều vi phạm và kiến nghị sửa chữa

Năm 1979, đối với những vi phạm nghiêm trọng trong việc giam, giữ như: Đánh đập, nhục hình người bị tạm giam, người đang cải tạo, Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm minh người có sai phạm. Một số Viện kiểm sát tỉnh, thành phố phía Nam cùng các ngành có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và chấm dứt việc bắt, giam, giữ người trái phép ở một số phường, xã. 

Nhiều vi phạm được phát hiện và kiến nghị sửa chữa như: Giam, giữ không lệnh, quá hạn tạm giam mà không xin gia hạn, đánh đập, dùng nhục hình đối với phạm nhân, cắt xén tiêu chuẩn, để can phạm chết nhiều trong trại, trốn trại... Ở phía Nam, phần lớn các Viện kiểm sát từng đợt cùng Công an tổ chức kiểm tra các trại giam và kết hợp phát hiện, kiến nghị sửa chữa vi phạm. Các Viện kiểm sát địa phương đều tham gia Hội đồng đặc xá theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo trong những năm 1976-1981 vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu cán bộ, thiếu phương tiện đi lại nên việc kiểm sát đối với trại cải tạo phạm nhân và trại tập trung cải tạo chưa làm được nhiều, công tác kiểm sát tạm giữ và phân loại xử lý hàng ngày chưa được tổ chức thực hiện đồng đều; kiểm sát tạm giam chưa làm theo định kỳ; chưa kiểm sát được công tác tập trung cải tạo.

Tình hình trật tự, trị an ở một số trại thiếu ổn định do việc tổ chức, quản lý trại tạm giam, trại cải tạo ở các tỉnh, thành chưa chặt chẽ; vẫn còn xảy ra tình trạng chống, phá, trốn trại của can phạm, phạm nhân, tình trạng phạm nhân ăn chặn đồ tiếp tế của nhau, đánh nhau gây chết người. 

Trong những năm 1982-1986 tình hình giam, giữ, cải tạo vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng bắt sai đối tượng, giam giữ kéo dài, mở rộng diện tập trung cải tạo, mở rộng khái niệm bắt khẩn cấp, quả tang không còn là tình trạng cá biệt. Những quan điểm sai trái trong việc bắt, giam, tha như lấy việc bắt làm biện pháp duy nhất để ổn định tình hình, gây ra tình trạng bắt tràn lan, sai đối tượng, giam giữ kéo dài. Việc bắt sai đối tượng, bắt quá nhiều trong điều kiện giam giữ khó khăn, quản lý chưa tốt đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Số thực sự cải tạo tốt, đã mãn hạn tập trung, mãn hạn thụ hình vẫn còn bị giữ lại nhiều trong các trại giam.

Thực hiện sự chỉ đạo của VKSND tối cao về công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo, Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm sát tại chỗ các nơi giam, giữ và cải tạo, bảo vệ quyền dân chủ của Nhân dân. Việc kiểm sát các nhà tạm giữ, trại tạm giam, cải tạo được làm thường xuyên. Việc kiểm tra các trại tạm giam, nhà tạm giữ để giải quyết các trường hợp oan, sai được các cấp kiểm sát và Công an tích cực thực hiện với sự giúp đỡ của chính quyền và các ngành nên bước đầu thu được kết quả. 

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát cơ sở giam giữ. (Ảnh minh hoạ)

Xét tha 80% số người bị tập trung cải tạo

Để đảm bảo việc giam, giữ, cải tạo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích của những người bị giam giữ, cải tạo, Viện trưởng VKSND tối cao ra nhiều văn bản nhấn mạnh phải có những biện pháp tăng cường chất lượng công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo.

Ngày 24/4/1985, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị về việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe những người đang bị tạm giam, tạm giữ, cải tạo. Chỉ thị yêu cầu các VKSND địa phương phải phối hợp với Sở Công an, TAND ra các quy định cụ thể về mối quan hệ giữa ba ngành đối với việc hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng suy kiệt, tử vong trong các nơi giam, giữ, cải tạo. Tiếp đó, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 06/KSGG-CT về công tác kiểm sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, bảo đảm tính mạng và sức khỏe những người đang bị giam, giữ và cải tạo; yêu cầu công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo, thực hiện một số biện pháp cần thiết nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác giam, giữ, cải tạo, bảo đảm tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm và các quyền khác của người bị giam giữ không bị tước bỏ.

Báo cáo số 14/V4 ngày 3/8/1984 của Viện trưởng VKSND tối cao trước Hội đồng Nhà nước về công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, cải tạo, đề nghị Hội đồng Nhà nước sớm ban hành pháp lệnh có liên quan đến việc bắt, giữ, giam, xử lý và giáo dục người phạm tội; quyết định những biện pháp cải thiện sinh hoạt cho phạm nhân và việc sử dụng lao động, sản xuất của họ theo kế hoạch và có hạch toán kinh tế; đề nghị tách việc quản lý giam, giữ, cải tạo với việc quản lý công tác điều tra.

Do có sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của VKSND tối cao, trong các năm 1983-1985, hoạt động kiểm sát giam, giữ, cải tạo ở cả ba cấp kiểm sát có những tác động tích cực trong việc khắc phục các vi phạm bằng việc vận dụng các phương pháp tiến hành kiểm sát tại chỗ, kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu sửa chữa vi phạm, quyết định trả tự do cho những người bị giam, giữ và cải tạo không có căn cứ và trái pháp luật. 

Trong năm 1984, thực hiện các chỉ thị của Hội đồng Nhà nước, VKSND tối cao đã cử cán bộ cùng với hai đoàn của Hội đồng Nhà nước về kiểm tra công tác giam, giữ, cải tạo ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tiến hành một đợt kiểm sát việc chấp hành trong các trại giam và trại cải tạo do Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện. 

Bộ Nội vụ có nhiều chỉ thị chấn chỉnh công tác giam, giữ, cải tạo và theo kiến nghị của VKSND tối cao đã xét tha 80% số người bị tập trung cải tạo; đã kiểm sát các nơi giam, giữ về cả hai mặt thủ tục bắt, giam, giữ và chế độ ăn, ở, quản lý can phạm. Một số nơi tổ chức phối hợp kiểm tra, có UBND và Công an tỉnh cùng tham gia để xem xét, giải quyết những vấn đề tồn tại. Nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành phố, huyện, quận kiểm sát việc xét duyệt tập trung cải tạo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và tham gia ý kiến với hội đồng xét duyệt.

Các viện kiểm sát địa phương chú trọng kiểm sát việc bắt, giam, giữ khám xét ở cả ba cấp, đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và bất thường đối với trại giam, trại cải tạo để bảo vệ quyền dân chủ của công dân. Tăng cường số lần kiểm sát đối với các trại giam, trại cải tạo, phát hiện và kiến nghị sửa chữa những việc làm vi phạm pháp luật, ra quyết định trả tự do cho một số người bị bắt, giam giữ trái phép, xét tha và giảm án cho những người trong các trại cải tạo trong các dịp Quốc khánh 2-9. Một số Viện kiểm sát chú trọng việc xét tập trung cải tạo và cưỡng bức lao động và kiểm sát việc phân loại xử lý ở cơ sở, kiểm sát việc bắt, giam, giữ người trái phép ở xã, phường.

Năm 1985, việc kiểm sát các nhà tạm giữ, trại tạm giam, cải tạo được làm thường xuyên, cả ba cấp đã kiểm sát tại chỗ trên 2.000 lượt, ra 307 kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý sửa chữa vi phạm, xử lý người vi phạm; 439/546 người vi phạm qua kiến nghị đã được sửa chữa, có tác dụng hạn chế vi phạm trong hoạt động điều tra, giam, giữ, cải tạo. Viện kiểm sát các cấp đã quyết định trả tự do cho một số người bị giam, giữ không có căn cứ và trái pháp luật, gấp ba lần năm 1984; phối hợp với ngành Công an giải quyết tha và tạm tha nhiều trường hợp khác. 

Năm 1986, ý thức tuân thủ pháp luật trong bắt, giữ, giam có tiến bộ, nhưng tình hình chuyển biến vẫn chưa cao, một số nơi còn bắt giữ, tịch thu tài sản, phạt vạ công dân trái pháp luật. Có nơi bắt thân nhân người trốn nghĩa vụ quân sự, tùy tiện ra lệnh giới nghiêm về ban đêm; lập nơi giam, giữ trái phép, có người đã tự sát. Số người bị bắt giữ, giam, oan, sai, sau đó phải trả tự do hoặc chỉ xử lý hành chính còn chiếm tỉ lệ cao. Số người bị tạm giam quá hạn còn nhiều. 

Qua kiểm sát giam, giữ, cải tạo, Viện kiểm sát các cấp ra 273 văn bản kiến nghị yêu cầu Công an sửa chữa vi phạm; kiến nghị với chính quyền địa phương, có nơi thông báo tại các kỳ họp HĐND để có biện pháp khắc phục.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL