leftcenterrightdel
 Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Vừa qua, VKSND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã ban hành Kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự số 19/2023/DS-ST ngày 22/3/2023 của TAND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do vi phạm tố tụng và nội dung.

Theo nội dung vụ án, nguyên đơn ông Huỳnh Văn Tám (SN 1947, ngụ phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) khởi kiện bà Nguyễn Thị Lừng (SN 1945, ngụ cùng địa phương) đòi lại phần đất có diện tích 1.019,7m2 thuộc một phần thửa đất số 326, tờ bản đồ số 21-2 tọa lạc tại khu 3, phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Tám cho rằng phần đất do ông bà để lại, trên phần đất còn có hai phần mộ của cha mẹ ông.

Tại Bản án dân sự số 19/2023/DS-ST ngày 22/3/2023 của TAND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông Huỳnh Văn Tám được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích nêu trên.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như lời trình bày của các đương sự có mặt tại phiên tòa VKSND TP Thủ Dầu Một nhận thấy, Bản án dân sự số 19/2023/DS-ST ngày 22/3/2023 của TAND Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương còn có những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo đó, về mặt tố tụng, vi phạm trong thủ tục thụ lý yêu cầu bổ sung của nguyên đơn: Tại đơn khởi kiện ngày 21/5/2015 và ngày 20/4/2016, nguyên đơn ông Huỳnh Văn Tám chỉ yêu cầu bị đơn bà Nguyễn Thị Lừng trả lại diện tích đất 1.019,7m2 tọa lạc tại khu 3, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nên Tòa án đã xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Trong quá trình Tòa án tạm ngưng phiên tòa thì ngày 16/12/2022, nguyên đơn ông Tám có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Lừng và bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, số công chứng số 14343, quyển số 11TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/11/2020 tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Gái vô hiệu và ngày 16/12/2022, Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý bổ sung yêu cầu khởi kiện nêu trên của ông Huỳnh Văn Tám. Như vậy, ngoài quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” thì trong vụ án phát sinh một mối quan hệ tranh chấp mới đó là “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Đối chiếu quy định của pháp luật nhận thấy việc nguyên đơn bổ sung yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lừng và bà Ánh là sau thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và làm phát sinh một quan hệ tranh chấp mới so với phạm vi khởi kiện ban đầu dẫn đến việc Tòa án phải tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ mới và mở lại phiên họp kiểm tra, công khai chứng cứ và hòa giải; do đó, việc nguyên đơn khởi kiện bổ sung ngày 16/12/2022 là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Việc tòa án cấp sơ thẩm thụ lý bổ sung và giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng ngày 18/11/2020 vô hiệu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo những quy định đã việc dẫn nêu trên.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Lừng trên phần đất tranh chấp.

Vi phạm về nội dung: Việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào “Tờ tương phân điền thổ” lập năm 1941 và việc trên phần đất tranh chấp tồn tại hai ngôi mộ của cha mẹ ông Tám để buộc bà Lừng trả lại cho ông Tám diện tích đất 1.019,7m2 thuộc một phần thửa đất số 326, tờ bản đồ số 21-2 tọa lạc tại khu 3, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là không đúng quy định của pháp luật; không đánh giá khách quan các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Kháng nghị VKSND TP Thủ Dầu Một phân tích, việc tồn tại hai ngôi mộ của cha mẹ ông Tám trên đất không được xem là tài sản để chứng minh quá trình quản lý, sử dụng đất của ông Tám. Mặt khác, tại thời điểm hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở năm 2010 để giải quyết khiếu nại của bà Lừng về việc ông Tám không cho xây hàng rào khu đất tranh chấp, ông Tám chỉ yêu cầu chừa diện tích đất tại phần mồ mã của cha mẹ ông Tám không được rào, còn lại thì đồng ý cho bà Lừng xây dựng hàng rào trên đất; chỉ đến ngày 26/08/2016, UBND thành phố Thủ Dầu Một ban hành quyết định số 2833/QĐ-UBND ngày 26/08/2013 về việc thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Lừng sau khi trừ đi phần diện tích đất mộ của cha mẹ ông Tám là 71,8m2 và cấp lại giấy chứng quyền sử dụng đất cho bà Lừng, ông Tám mới phát sinh tranh chấp cho rằng toàn bộ diện tích đất tranh chấp là của thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.

Xét “Tờ tương phân điền thổ” năm 1941 thể hiện nội dung cụ Lượm, cụ Ngự tiến hành phân chia đất cho 10 người con, trong đó có ông Huỳnh Văn Muồi (cha ông Tám) và ông Huỳnh Văn Mận (cha chồng bà Lừng); tuy nhiên, sau khi được phân chia đất cả ông Muồi và ông Mận không tiến hành đăng ký kê khai quyền sử dụng đất và hiện nay phần đất được phân chia theo sơ đồ “Tờ tương phân điền thổ” đã có quá nhiều biến động về kích thước, hình thể; đồng thời, theo trả lời của cơ quan lưu trữ đối với tài liệu theo yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án thể hiện nội dung: Tại kho lưu trữ của Chi cục Văn thư lưu trữ - Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương không có lưu trữ tài liệu này trích lục địa bộ của ông Huỳnh Văn Lượm theo họa đồ Sở điền của Sổ địa bộ số 396, 397, 398, 574 và số 601 theo tờ tương phân điền thổ ông Huỳnh Văn Lượm lập năm 1941 nên không có cơ sở xác định chính xác vị trí thửa đất tranh chấp là vị trí đất cha mẹ ông Tám được phân chia năm 1941.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật đất đai thì ngoài giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc đất trước năm 1975 thì người sử dụng đất còn phải trực tiếp sử dụng ổn định, liên tục mới được coi là chủ sử dụng đất hợp pháp. Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 thì “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Từ những phân tích nêu trên, việc ông Tám khởi kiện yêu cầu bà Lừng trả diện tích đất tranh chấp 1.019,7m2 nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh mình có đăng ký kê khai, không chứng minh được mình có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (Điều 100 Luật Đất đai năm 2013); không chứng minh được quá trình quản lý sử dụng đất cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước nên căn cứ Điều 79 Luật Đất đai năm 1993; Điều 46, Điều 50, khoản 2 và 3 Điều 107 Luật Đất đai năm 2003; khoản 5 Điều 26, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; điểm a mục 2.4 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngoài ra VKSND TP Thủ Dầu Một còn chỉ ra TAND TP Thủ Dầu Một vi phạm về cách tuyên án và vi phạm trong việc chưa giải quyết triệt để vụ án.

Vì các lẽ trên, VKSND TP Thủ Dầu Một kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự số 19/2023/DS-ST ngày 22/3/2023 của TAND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do vi phạm tố tụng và nội dung. Đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy Bản án sơ thẩm nêu trên.

Thúy Hà