leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND TP Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB (hình minh họa).

Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng có chiều hướng gia tăng và phát sinh nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, sử dụng công nghệ cao tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào các ứng dụng dịch vụ, hệ thống quản lý của các tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tạo nên tâm lý hoang mang của người dân đến tính an toàn của hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý kinh tế của cơ quan chức năng.

Qua kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp để phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo đó, thông qua giải quyết các vụ án VKSND TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số dạng vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng được phát hiện:

Thứ nhất, hành vi phạm tội do các đối tượng ngoài tổ chức tín dụng thực hiện thông qua các phương thức lợi dụng lỗ hổng bảo mật của phần mềm ứng dụng cung cấp dịch vụ ngân hàng, sử dụng công nghệ cao để xâm nhập trái phép vào phần mềm nhằm chỉnh sửa thông tin để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, đe dọa đến sự an toàn của hệ thống quản lý, các ứng dụng dịch vụ ngân hàng.

Thứ hai, các đối tượng cũng lợi dụng chính sách khuyến khích giao dịch thanh toán không tiền mặt, sự liên kết giữa các tổ chức tín dụng và đơn vị thanh toán trực tuyến, gian dối với chủ tài khoản thẻ về mục đích thanh toán, sử dụng tiền trong thẻ sang mua bán trực tuyến để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của các chủ tài khoản thẻ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tín dụng của ngân hàng phát hành thẻ.

Trong khi đó, đối với các hành vi vi phạm do nhân viên làm việc trong các tổ chức tín dụng thực hiện, thường thông qua các phương thức các cá nhân là lãnh đạo ngân hàng lợi dụng chức vụ được phân công lập giả chứng từ thanh toán, dùng quyền hạn được giao chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm sai các quy định về hoạt động ngân hàng, để chiếm đoạt tài sản.

Đối với nhân viên ngân hàng lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ, làm giả tài liệu chứng từ, hồ sơ đăng ký thế chấp tài sản bảo đảm để thế chấp vay tiền, chiếm đoạt tiền vay; không kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, tài liệu nộp chứng minh nguồn gốc tài sản, không thẩm định hoặc thẩm định tài sản bảo đảm sơ sài, dẫn đến Ngân hàng tiếp nhận, lưu giữ các tài liệu giả không có giá trị bảo đảm cho khoản vay để đối tượng chiếm đoạt tiền của Ngân hàng.

Cá nhân là nhân viên các tổ chức tín dụng, được giao quản lý phần mềm phát hiện sơ hở trong chênh lệch tỷ giá hối đoái của hệ thống báo cáo cuối ngày, hoạt động hoàn tiền giao dịch thẻ, nên trực tiếp can thiệp vào phần mềm, chỉnh sửa thông tin quản lý, báo cáo để chiếm đoạt tiền.

Có trường hợp nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm soát giao user quản lý cho người không có trách nhiệm, nhiệm vụ kiểm soát để duyệt kiểm tra, giải ngân để chiếm đoạt tiền ngân hàng; nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định về nghiệp vụ thanh toán dẫn đến bị tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền ngân hàng.

VKSND TP Hồ Chí Minh xác định tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do hoạt động kiểm soát, kiểm tra nội bộ của một số ngân hàng chưa hiệu quả, chưa kịp thời; việc quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức, việc chấp hành quy định, quy trình nội bộ của các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ dẫn đến cán bộ, nhân viên tại các vị trí quan trọng lợi dụng sự sơ hở, lỏng lẻo để thực hiện hành vi phạm tội.

Khi các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi số, tiến đến thực hiện giao dịch không tiền mặt, các quy trình nghiệp vụ, thủ tục mở tài khoản, các ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được đơn giản hóa nhằm mở rộng phục vụ nhu cầu người dân, nhiều đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. 

Trong quá trình chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, một số tội phạm nhờ hoặc mua/làm giả thông tin cá nhân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác) để đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc mua/thuê lại tài khoản ngân hàng của các cá nhân không có nhu cầu sử dụng, làm phương tiện tiếp nhận tiền chiếm đoạt từ hành vi phạm tội. Sau đó, trong thời gian rất ngắn, dùng dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền liên tục qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm né tránh sự phát hiện, truy vết của cơ quan chức năng, gây khó khăn cho hoạt động xác minh, điều tra, ngăn chặn, thu hồi tài sản.

Hiện nay, việc xác minh của Cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do các tội phạm có thể lập tài khoản ở các phòng giao dịch, chi nhánh khắp cả nước, muốn sao kê tài sản để truy vết dòng tiền thì phải truy tìm đến nơi đăng ký mở tài khoản thì mới cung cấp được thông tin, hồ sơ mở tài khoản ngân hàng, sao kê tài khoản; dẫn đến kéo dài thời gian, đến khi truy tìm được thì tiền đã được rút ra chiếm đoạt, không ngăn chặn được kịp thời và không thu hồi được tiền.

Do đó, để phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, VKSND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tội phạm, cụ thể:

Một là, thường xuyên kiểm tra, cập nhật, đầu tư nâng cấp các phần mềm quản lý, ứng dụng thanh toán, giao dịch trực tuyến; cảnh báo, dự báo những rủi ro tiềm ẩn khi bị đối tượng, thiết bị lạ xâm nhập, chỉnh sửa, tác động trái phép vào hệ thống quản lý, nhằm đảm bảo tính bảo mật, phòng ngừa tội phạm.

Hai là, nghiên cứu, rà soát, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của các đơn vị, công ty liên kết thanh toán trung gian trực tuyến nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế việc các đối tượng cung cấp thông tin mở gian hàng, cửa hàng trực tuyến không có thật, lợi dụng chính sách của Nhà nước thực hiện hành vi phạm tội.

Ba là, thường xuyên giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nâng cao trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phòng tránh các hành vi phạm tội có thể xảy ra. Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, bố trí nhân sự, nhất là các vị trí quan trọng; phổ biến kịp thời, thường xuyên các sai phạm, thủ đoạn liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đã bị xử lý để các đơn vị rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh.

Năm là, thường xuyên phối hợp, trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp thông tin liên quan dấu hiệu tội phạm và các dạng thủ đoạn phạm tội; hỗ trợ xác minh, cung cấp nhanh thông tin các tài khoản tiếp nhận tiền có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc ngăn chặn, phong tỏa kịp thời việc tẩu tán tài sản phạm pháp.

Sáu là, triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, thông báo đến các khách hàng, người dân biết quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi mở tài khoản, quản lý, sử dụng tài khoản, đăng ký sử dụng các dịch vụ giao dịch trực tuyến, các dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn nhằm bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản.

Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên thông báo các hành vi xâm phạm, các sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân khi tham gia hoạt động tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới để nhằm vừa bảo đảm tài sản, vừa chấp hành đúng quy định pháp luật, tránh bị tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Mai Diễm - Việt An