Theo VKSND tỉnh Long An, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh, đơn vị nhận thấy tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến và tinh vi đã gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
|
|
VKSND tỉnh Long An tổ chức hội nghị. |
Từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra 23 vụ việc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội, “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ, trong đó: 11 vụ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội và 4 vụ tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Điều 290 BLHS.
VKSND tỉnh Long An nhận thấy nguyên nhân xảy ra các vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội, “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” do công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng không gian mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện; lợi dụng các chương trình phần mềm kết nối internet thường có những lỗ hổng bảo mật, các đối tượng phạm tội khai thác các lỗ hổng bảo mật này để thực hiện các hành vi phạm tội. Mặt khác, trình độ nhận thức của một số người dân khi đăng nhập sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin đối với việc đảm bảo an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp, dẫn đến thiếu thông tin, không cảnh giác với các đối tượng phạm tội, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào các đối tượng, sợ hãi lo lắng khi bị các đối tượng hâm dọa, dụ dỗ, uy hiếp tin thần nên chuyển tiền cho các đối tượng… đến khi bị mất tài sản mới biết bị lừa đảo.
Để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn, đặc biệt là các tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng intenet. Viện trưởng VKSND tỉnh Long An đã ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An.
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, TP Tân An tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án; các chương trình, chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, TP Tân An tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân trên địa bàn với nhiều hình thức trực quan, dễ tiếp cận như: phát tờ rơi; pa nô, áp phích; tuyên truyền thông qua các buổi họp tổ dân phố, khu dân cư, trên loa phát thanh.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên xây dựng tin bài, phóng sự tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân về thủ đoạn, các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội của các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác với tội phạm như: Không cung cấp thông tin cá nhân cho tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN Internet Banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng…
Trước khi chuyển tiền cho người thân, bạn bè cần gọi điện thoại cho người đó để xác định lại nội dung chuyển tiền; Cẩn trọng với các cuộc gọi thoại từ số lạ, đặc biệt là các đầu số từ nước ngoài; Không nên tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng, vay tiền qua mạng, làm việc online - cộng tác viên ngân hàng… rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận; Tuyệt đối không được sử dụng số tiền “chuyển nhầm” vào việc chi tiêu cá nhân nên liên lạc với ngân hàng để giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Long An chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm khi Công an yêu cầu; đối với các giao dịch nghi ngờ, hướng dẫn khách hàng cụ thể, tránh rút, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thông qua các buổi học ngoại khóa phổ biến, quán triệt cho các em học sinh, sinh viên nắm các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng; yêu cầu các em không cung cấp, đăng ký thuê bao di động, mở tài khoản ngân hàng để bán, cho, tặng người khác sử dụng, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo.
Công an tỉnh chủ trì, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, làm rõ các đối tượng lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo Hướng dẫn số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC của Bộ Công an, VKSND tối cao “về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Đề nghị TAND tỉnh, VKSND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đoàn viên, hội viên, người lao động về tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động an sinh xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa; tham gia thực hiện tốt Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”./.