Trong thời gian vừa qua, thông qua công tác kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, VKSND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhận thấy, tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng đáng kể.

leftcenterrightdel
Trước tình trạng tội phạm hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn. VKSND huyện Sa Thầy đã ban hành văn bản kiến nghị, Hạt Kiểm lâm huyện này áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo đó, năm 2021, VKSND huyện Sa Thầy đã thụ lý 5 vụ/8 bị can (trong đó 4 vụ/6 bị can về tội “Hủy hoại rừng” và 1 vụ/2 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Theo VKS, hành vi của các đối tượng đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đáng nói, các hành vi vi phạm nêu trên diễn ra trong một thời gian dài nhưng Kiểm lâm địa bàn và Hạt Kiểm lâm chậm phát hiện, khi phát hiện vụ việc thì hậu quả gây ra đã nghiêm trọng, khó khắc phục. Cá biệt, có vụ diện tích rừng bị thiệt hại là 51.170m2 nhưng không kịp thời ngăn chặn.

Để xảy ra những vi phạm trên, một phần do sự Lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của Hạt Kiểm lâm chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, Lãnh đạo chưa kịp thời dự báo trước tính chất và tình hình từ đó tham mưu chính quyền ban hành kế hoạch để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Trước tình hình trên, VKSND huyện Sa Thầy kiến nghị, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật gồm: Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trong huyện; chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm, tội phạm về pháp luật bảo vệ rừng.

Đồng thời, Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các cá nhân có liên quan đã để xảy ra tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuyên truyền đến nhân dân ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, về vai trò của rừng đối với đời sống con người và xã hội.

Ngoài ra, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ các diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quan trọng, đảm bảo sự phát triển ổn định của người dân nói riêng và địa phương nói chung./.

Nguyễn Chính