Qua công tác kiểm sát, VKSND huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nhận thấy, trong thời gian qua, các hành vi vi phạm lâm luật trên địa phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, trên địa phận 10.229 ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn, đã xảy ra 35 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu là các hành vi: Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, hủy hoại, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã phát hiện, thu giữ và chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn xử lý 27 vụ với 18 phương tiện, công cụ vi phạm các loại; thu giữ 17,124 m3 gỗ; 4,32 ster củi. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm huyện đã xử lý hành chính, phạt tiền hơn 97,6 triệu đồng. Đáng nói, có 8 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích 9,104 ha có dấu hiệu tội phạm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã kịp thời báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện xác minh, lập hồ sơ chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện xử lý. Trong đó, có nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái pháp luật với diện tích tương đối lớn. 

leftcenterrightdel
Một trong nhiều vụ chặt phá tại rừng phòng hộ ở huyện Buôn Đôn. 

Cụ thể, vào ngày 6/3/2018, Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn phát hiện ông Y Non Knul, vợ là bà H’Nin Rcăm, cùng con rể là Y Sen Enuô1 (trú tại buôn Jang Pông, xã Krông Na, Buôn Đôn) có hành vi hủy hoại 13.174 m2 rừng phòng hộ là rừng sản xuất (thuộc khoảnh 12, tiểu khu 469, Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn) để làm nương rẫy, gây thiệt hại 10,617 m3 gỗ từ nhóm IIA đến nhóm VIII. 

Tiếp đó, ngày 26/3/2018, một nhóm đối tượng đã hủy hoại 15.246 m2 rừng phòng hộ là rừng sản xuất (thuộc khoảnh 12, tiểu khu 469 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn). Số cây rừng bị chặt hạ gồm 360 cây gỗ từ nhóm IIA đến nhóm VIII và 5.400 cây le. 

Và điển hình phải kể đến là vụ chặt phá với số lượng gỗ rất lớn ngày 1/3/2019 tại tiểu khu 444, lực lượng chức năng đã phát hiện có 18,600 m2 rừng phòng hộ là rừng tự nhiên đã bị chặt phá, số cây rừng bị cưa hạ 623 cây với khối lượng 20,887m3…

Những hành vi trên đã gây thiệt hại rất lớn đến nguồn tài nguyên rừng, nhất là đối với rừng phòng hộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng về sinh học, môi trường sinh thái, khí hậu, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và gây dư luận xấu trong nhân dân. 

Do đó, mới đây, Viện trưởng VKSND huyện Buôn Đôn đã có Kiến nghị số 05/KN-VKS-BĐ gửi Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn áp dụng các biện pháp để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật: Thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện; UBND xã Krông Na và các xã thuộc vùng đệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho nhân dân; Giúp nhân dân hiểu biết, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, từ đó tôn trọng và chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. 

Đồng thời, chỉ đạo các trạm, các chốt bảo vệ rừng trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật. Theo dõi chặt chẽ các đối tượng đã bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm lâm luật. Nếu các đối tượng này tiếp tục vi phạm thì lập hồ sơ báo cáo Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng của huyện để xử lý hình sự. Giáo dục cho các cán bộ chốt trong các trạm bảo vệ rừng phải nghiên cứu kỹ các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, các tội danh có liên quan đến việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Để từ đó nâng cao nhận thức pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ, nhanh chóng nhận biết các hành vi vi phạm, các hành vi có dấu hiệu phạm tội để báo cáo các cơ quan chức năng trong huyện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Kiên quyết đấu tranh và không bỏ lọt mọi hành vi phạm tội nào xảy ra trên địa phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn. 

Mặt khác, còn kiểm tra và làm rõ trách nhiệm cá nhân của các Trạm bảo vệ rừng trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn trong thời gian qua đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Nhất là đối với các trạm chốt ở gần những nơi để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nhưng chưa kịp thời phát hiện, xử lý... 

Chính Cương