Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án hình sự từ ngày 01/12/2020 đến ngày 18/3/2022, VKSND huyện Hương Khê nhận thấy: Tình hình tội phạm nói chung và người có tiền án, tiền sự và nhân thân xấu phạm tội nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng về tăng tính chất, mức độ nguy hiểm.

Theo thống kê, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hương Khê đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 80 vụ án/140 bị can, bị cáo. Trong tổng số 140 đối tượng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có 53 đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc nhân thân xấu (chiếm tỷ lệ 37,8%). Trong đó, có 27 đối tượng đã có tiền án (chiếm tỷ lệ 19,2%), 26 đối tượng đã có tiền sự và nhân thân xấu (chiếm tỷ lệ 18,5%). Đáng chú ý là có nhiều đối tượng vừa có tiền án, vừa có tiền sự, nhất là đối với loại tội phạm Cố ý gây thương tích (88% đối tượng), tội phạm ma túy (100% đối tượng) đã có tiền án, tiền sự hoặc nhân thân xấu nhưng vẫn tiếp tục phạm tội.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Hương Khê ký giao ước thi đua đầu năm.

Qua thống kê, 62% các đối tượng đã có tiền án, tiền sự phạm tội đều sử dụng ma túy, có mối quan hệ xã hội phức tạp, dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê và nhiều đối tượng không có công ăn việc làm ổn định, nên nguy cơ tái phạm cao. Tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm do các đối tượng đã có tiền án, tiền sự thực hiện ngày càng nguy hiểm hơn; phương thức thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn.

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với người có tiền án, tiền sự và nhân thân xấu tiếp tục phạm tội, Viện trưởng VKSND huyện Hương Khê đã ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng đồng bộ các biện pháp để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, cụ thể:

- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chấp hành xong hình phạt tù đối với bản thân, gia đình và xã hội, giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức để tránh xa các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

- Tiếp tục chỉ đạo Công an huyện (Cơ quan thi hành án hình sự), UBND cấp xã, Công an xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương nói riêng và người có nhân thân xấu nói chung, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, những vi phạm pháp luật, có biện pháp phối hợp với gia đình và các tổ chức đoàn thể để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

- Tổ chức việc dạy nghề, giải quyết việc làm giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ pháp lý, chi phí đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù về lại địa phương. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm và tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù sau khi có chứng chỉ và được đào tạo nghề.

 
P.V