Theo hồ sơ vụ án: Khoảng tháng 1 năm 2023, vì muốn phát triển kinh tế rừng, nên Dương Văn Đ đã thuê ông Thào A T phát, phá thửa đất ở khu rừng T.Đ, thuộc thôn B.Tr, xã CH, huyện B (khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên) với mục đích để trồng cây gỗ mỡ. Do Dương Văn Đ bị đau chân không đi rừng được nên đã nhờ anh trai ruột là Dương Văn Th dẫn Thào A T đến khu rừng mà Đ muốn phát phá, chỉ ranh giới thửa đất rừng cho Thào A T. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên tòa.

Sau đó, Thào A T đã cùng vợ là Hoàng Thị Tr, ông Hoàng A T1, Hoàng A P, Giàng Thị D cùng nhau phát, phá khu rừng. Diện tích khu rừng bị phát phá là 7.255m2, lâm sản bị thiệt hại xác định được là 28,912m3 gỗ tròn thông thường, từ nhóm V đến nhóm VIII; giá trị thiệt hại, giá trị phải bồi thường đối với toàn bộ diện tích rừng bị hủy hoại là 54.237.528 đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2024/HS-ST ngày 16/7/2024 của TAND huyện B, tỉnh Bắc Kạn: Tuyên bố bị cáo Dương Văn Đ và Dương Văn Th phạm tội “Hủy hoại rừng”. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Văn Đ 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng; xử phạt bị cáo Dương Văn Th 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng. Ngoài ra, bản án còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 16/8/2024, VKSND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bắc Kạn xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh phát biểu quan điểm, đề nghị HĐXX chấp nhận nội dung kháng nghị phúc thẩm của VKSND tỉnh, huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, vì các lý do:

Thứ nhất, cấp sơ thẩm không đưa những người trực tiếp phát, phá rừng vào tham gia tố tụng trong vụ án. Sau khi thỏa thuận thống nhất giá phát rừng cho Dương Văn Đ, Thào A T bảo Hoàng Thị Tr, Hoàng A T1, Hoàng A P và Giàng Thị D đi cùng phát rừng thuê cho Dương Văn Đ. Những người này họ trực tiếp phát, phá rừng trái phép, gây ra thiệt hại, biết rõ các tình tiết của vụ án và liên quan đến vụ án, nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm đưa vào tham gia tố tụng để giải quyết triệt để vụ án.

Thứ hai, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội. Các bị cáo Dương Văn Đ, Dương Văn Th và đối tượng Thào A T biết rõ khu rừng phát, phá là rừng tự nhiên, có các cây gỗ tự nhiên, không phải cây gỗ do trồng rừng, nhưng vẫn đồng ý chặt cây, phát phá. Trong đó, đối tượng Thào A T là người trực tiếp hợp đồng phát, phá rừng thuê cho Dương Văn Đ và Thào A T còn rủ thêm Hoàng Thị Tr, Hoàng A T1, Hoàng A P, Giàng Thị D đi cùng phát rừng thuê.

Hành vi của các đối tượng trực tiếp phát phá rừng trái phép có dấu hiệu của tội “Hủy hoại rừng” quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự với vai trò là người thực hành tội phạm. Đặc biệt, đối tượng Thào A T là người trực tiếp hợp đồng phát, phá thuê và là người trực tiếp dùng cưa máy cắt đổ những cây gỗ to. Cấp sơ thẩm xác định, Thào A T tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng là đánh giá không đúng bản chất của người thực hành tội phạm, dẫn đến bỏ lọt người phạm tội.

Thứ ba, cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá hành vi của bị cáo Dương Văn Th có vai trò ngang với bị cáo Dương Văn Đ là chưa phù hợp và tuyên mức án đối với bị cáo Th 15 tháng tù cho hưởng án treo là nghiêm khắc. Vì, Dương Văn Th chỉ có hành vi là được bị cáo Dương Văn Đ nhờ dẫn Thào A T đi đến khu rừng tự nhiên và chỉ ranh giới rừng mà bị cáo Dương Văn Đ bảo phát phá; bị cáo Dương Văn Th có vai trò giúp sức không đáng kể cho bị cáo Dương Văn Đ, nên trách nhiệm hình sự phải nhẹ hơn nhiều so với bị cáo Dương Văn Đ có vai trò chủ mưu, khởi xướng việc phạm tội.

Dựa trên những lập luận và căn cứ pháp lý được Kiểm sát viên đưa ra, cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát, tuyên huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện B, tỉnh Bắc Kạn để điều tra lại theo thủ tục chung.

Vi Thuỳ