leftcenterrightdel
 Trụ sở VKSND TP Tây Ninh. (Ảnh:minh họa)

Vừa qua, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Đ. (nguyên đơn) và Công ty P. (bị đơn) do VKSND TP Tây Ninh kháng nghị việc áp dụng pháp luật không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Theo nội dung vụ án, Ngân hàng Đ. ký kết hợp đồng cho vay với Công ty P.  với số tiền vay 544.000.000 đồng, thời hạn vay 60 tháng, ngày đến hạn 31/8/2021, mục đích sử dụng vốn vay mua xe ôtô, lãi suất cho vay cố định trong 6 tháng đầu tiên là 8%/ năm.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ngân hàng Đ. khởi kiện yêu cầu Công ty P. thanh toán cho ngân hàng số tiền tính đến ngày 19/7/2023 tổng cộng 849.723.447 đồng (trong đó nợ gốc là 443.144.977 đồng, lãi trong hạn là 108.112.778 đồng, lãi trên nợ gốc quá hạn là 298.465.692 đồng). Tại phiên tòa sơ thẩm, Ngân hàng không yêu cầu Công ty P. phải trả số tiền lãi chậm trả của lãi trong hạn là 50.039.444 đồng.

Bản án kinh doanh thương mại số: 04/2023/KDTM-ST, ngày 19/7/2023 của TAND TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Đ., buộc Công ty P. có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng tổng số tiền nợ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, bản án có nội dung phần nhận định “Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Theo án lệ số 08/2016/AL…, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay...“

Nhận thấy việc Tòa án áp dụng án lệ số 08/2016 AL ngày 17/10/2016 của Chánh án TAND tối cao để xác định nghĩa vụ chậm thi hành án và tuyên “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này…” là áp dụng văn bản pháp luật không đúng theo quy định tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bởi lẽ, tại thời điểm thụ lý vụ án (ngày 22/02/2023) Nghị quyết số 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11/01/2019 đã có hiệu lực pháp luật (ngày 15/3/2019). Trong trường hợp này phải áp dụng Nghị quyết 01/2019 để tuyên về lãi sau xét xử theo quy định, theo đó Tòa án không tuyên lãi chậm thi hành án đối với khoản tiền lãi (trong hạn: 108.112.778 đồng và quá hạn: 298.465.692 đồng) là không đúng theo Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ – HĐTP ngày 11/01/2019, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

Đồng thời, tại đơn khởi kiện ngày 30/12/2022, Ngân hàng còn có yêu cầu phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo Hợp đồng thế chấp xe ôtô đối với tài sản thế chấp là xe ôtô thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty P. nhưng tại điểm 2 phần Quyết định Tòa án lại tuyên: Hợp đồng thế chấp xe... được tiếp tục thực hiện là giải quyết chưa đúng yêu cầu khởi kiện của đương sự (quy định tại khoản 1 Điều 299 và Điều 303 BLDS năm 2015) và việc tuyên án như trên là không thể thi hành án được.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh nhận định Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng án lệ số 08/2016 AL ngày 17/10/2016 là không đúng quy định, Viện kiểm sát kháng nghị là có căn cứ, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm, tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP Tây Ninh, sửa bản án sơ thẩm./.

Võ Lê Trúc Phương