Tranh chấp di sản thừa kế

Theo hồ sơ vụ tranh chấp, vợ chồng cụ C có 4 người con. Năm 2017, vợ chồng cụ C đã lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà, đất cho gia đình con trai là ông T. Bản di chúc được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi vợ mất, cụ C lập di chúc để lại là nửa căn nhà, đất trên và phần di sản được hưởng của vợ cho ba con gái. Di chúc này được công chứng viên (CCV) của Văn phòng công chứng KN công chứng.

Sau khi cụ ông mất, những người thừa kế không thỏa thuận được việc phân chia tài sản theo di chúc.

Bà D (vợ ông T) đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc của cụ ông vào năm 2019 là vô hiệu, không chấp thuận toàn bộ yêu cầu của bị đơn.

Phía bị đơn là ba con gái yêu cầu Tòa công nhận di chúc của cha năm 2019 có hiệu lực pháp luật và yêu cầu chia tài sản nhà đất theo di chúc trên. Đồng thời, chia số tiền thuê nhà là 360 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 VKSND cấp cao tại Đà Nẵng họp về công tác kháng nghị, kiến nghị.

Bản án sơ thẩm TAND TP Nha Trang đã chấp thuận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên bố bản di chúc năm 2019 vô hiệu. Tòa công nhận di chúc năm 2017 có hiệu lực và bác toàn bộ yêu cầu của bị đơn.

Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ tranh chấp.

Sau khi phía nguyên đơn có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, tuyên hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Di chúc vô hiệu do công chứng không đúng luật

Theo Viện kiểm sát, trong vụ án này, Công chứng viên đã không xác minh, làm rõ năng lực hành vi dân sự của cụ C mà vẫn tiến hành công chứng bản di chúc là không đúng quy định. Công chứng khi chưa xác minh năng lực hành vi dân sự.

Theo thông báo của VKS, khoảng 17h20 ngày 6/9/2019, Công chứng viên của Văn phòng công chứng KN đã công chứng bản di chúc.

Nội dung di chúc để lại phần di sản của cụ C là nửa nhà đất tại phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa và phần di sản cụ C được hưởng của vợ là cụ T (đã mất) cho ba con gái.

Buổi công chứng có hai người làm chứng đều làm việc tại Văn phòng công chứng KN.

Tuy nhiên, trước đó, anh LCM (cháu nội cụ C) đã có đơn xin ngăn chặn tới Văn phòng công chứng KN đề nghị không công chứng các văn bản liên quan đến cụ C.

Anh M đã gửi kèm kết quả trắc nghiệm tâm lý của Bệnh viện chuyên khoa tâm thần thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa kết luận, cụ C bị suy giảm nhận thức mức độ nặng. Cụ C được chẩn đoán mất trí không biệt định và không có chỉ định dùng thuốc điều trị.

VKS cho rằng, khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng quy định về trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể.

Trường hợp này, Công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, Công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

Tuy nhiên, Công chứng viên đã không xác minh, làm rõ năng lực hành vi dân sự của cụ C mà vẫn tiến hành công chứng bản di chúc là không đúng quy định.

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định, theo Điều 630 BLDS thì bản di chúc này không đảm bảo tính hợp pháp nên không được pháp luật bảo vệ.

Cơ quan này đề nghị VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự.

 

 


Hải Vy