TAND thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) vừa tổ chức xét xử 5 phiên tòa trực tuyến, kết nối với điểm cầu là Nhà tạm giữ Công an thành phố. Phiên tòa trực tuyến được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch giữa TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
5 vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử với các bị cáo: Phạm Xuân Diệu (SN 1983, trú tại số 419 Quang Trung 2, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa); Lê Thành Minh (SN 1978, trú tại số nhà 62 Tản Đà, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa); Hồ Tiến Hồng (SN 1979, trú tại số nhà 08/146 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Ngọc Cường (SN 1985, trú tại số nhà 35 Lò Chum, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). 4 bị cáo trên phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
|
|
Đại diện VKSND TP. Thanh Hóa xét hỏi bị cáo tại phiên tòa trực tuyến. |
Bị cáo Lô Văn Phương (SN 2002, trú tại thôn Lương Thịnh, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Phạm Xuân Diệu 27 tháng tù; Lê Thành Minh 15 tháng tù; Hồ Tiến Hồng 21 tháng tù; Lô Văn Phương 30 tháng tù; Nguyễn Ngọc Cường 15 tháng tù.
Phiên tòa trực tuyến được tổ chức công khai, các cơ quan tố tụng đã tiến hành đầy đủ thủ tục theo quy định, bị cáo có mặt đúng giờ, nghe và trả lời rõ câu hỏi, yêu cầu của HĐXX.
|
|
Bị cáo tại điểm cầu thành phần trả lời Hội đồng xét xử qua màn hình trực tuyến. |
Cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Đường truyền kết nối giữa hai điểm cầu liền mạch, âm thanh, hình ảnh rõ ràng.
Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu giữ lại, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng tại thành phố Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến nhiều vụ án, để các Thẩm phán, Kiểm sát viên được làm quen với hình thức mới. Tạo cơ sở để Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử, điều này góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp.