Tội phạm về trật tự xã hội gia tăng, diễn biến phức tạp

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, VKSND huyện Tiên Lữ nhận thấy, trong thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Tiên Lữ, loại tội phạm về trật tự xã hội, nhất là tội phạm về “Gây rối trật tự công cộng” có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Năm 2021, VKSND huyện Tiễn Lữ đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 3 vụ “Gây rối trật tự công cộng”, khởi tố 3 vụ/37 bị can (tăng 3 vụ/ 37 bị can so với năm 2020). Trong đó, các bị can đều là nam giới, 9/37 bị can là người chưa thành niên, chiếm tỷ lệ 25%, thậm chí còn 2 đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh những đối tượng lang thang lêu lỏng thì đáng buồn còn có những sinh viên đang học tập ở các trường đại học, các em được học tập và đào tạo trong môi trường giáo dục tốt những vẫn đua đòi, tham gia gây án.

leftcenterrightdel
 

Các đối tượng (độ tuổi từ 16-18 tuổi, ở huyện Tiên Lữ và TP Hưng Yên) bị bắt giữ về hành vi gây rối trật tự công cộng ngày 4/3/2022 tại TP Hưng Yên.

Đáng lưu ý là:  Khoảng 22h ngày 25/8/2021, tại xã Thiện Phiến, do có mâu thuẫn từ trước, một nhóm thanh niên ở thành phố Hưng Yên gồm 11 đối tượng: Mai Trọng Tú, Mai Phúc Mạnh, Trần Văn Lương, Trần Văn Thực, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Đình Hân, Phạm Văn Cải, Đinh Gia Phong, Nguyễn Quốc Anh và Trần Quang Hưng từ thành phố Hưng Yên điều khiển nhiều xe máy tới gara ô tô Hải Phong, địa chỉ: thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến và xảy ra xô xát với một nhóm thanh niên ở xã Thiện Phiến, gồm 8 đối tượng: Nguyễn Văn Việt, Trần Minh Chiến, Phạm Minh Trung, Trần Văn Lực, Hoàng Đình Nam, Phạm Văn Hải, Đào Đức Thành và Trần Văn Đạt. Quá trình xảy ra xô xát, các đối tượng của hai nhóm hò hét, chửi bới, rú ga, nẹt bô… và sử dụng nhiều hung khí nguy hiểm (phóng lợn, đao, tuýp sắt, vỏ chai thủy tinh, điếu cày, dao mác, gạch, bát sành) để đuổi, đánh nhau, hậu quả làm 3 đối đối tượng bị thương.

 Khoảng 22h đến 23h30’ ngày 20/10/2021, tại thị Trấn Vương, do mâu thuẫn cá nhân, một nhóm thanh niên ở xã Hưng Đạo và xã Ngô Quyền gồm 9 đối tượng: Nguyễn Văn Thắng, An Văn Hưng, Nguyễn Văn Ý, Nguyễn Quang Vịnh, Nguyễn Văn Hiếu, Lương Hữu Hòa, Đoàn Bá Quảng, Trần Hữu Kiên và Nguyễn Văn Đức xảy ra xô xát với một nhóm thanh niên ở xã Hải Triều gồm 3 đối tượng: Lê Văn Tuấn, Lê Văn Thuấn và Vũ Xuân Ảnh. Quá trình xảy ra xô xát, các đối tượng của hai nhóm hò hét, chửi bới, cầm cán chổi inox, bát đĩa, cốc thủy tinh trong quán để đuổi đánh nhau, hậu quả làm 2 đối tượng bị thương.

Ngay sau khi xảy ra các vụ việc nêu trên, VKSND huyện Tiên Lữ đã phối hợp kịp thời với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tiên Lữ tiến hành xác minh, điều tra, khởi tố, xử lý theo quy định pháp luật.

Nhận diện nguyên nhân tội phạm gia tăng

VKSND huyện Tiên Lữ nhận định, nguyên nhân chủ yếu gia tăng loại tội phạm này là do: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên chưa nghiêm, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, cá biệt còn có những trường hợp coi thường pháp luật, trong đó có một số thanh thiếu niên hư hỏng, không có việc làm ổn định, tụ tập chơi bời;

Việc quản lý các đối tượng ham chơi, lêu lổng, không có nghề nghiệp còn có hạn chế, các biện pháp giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật của các cơ quan chức năng chưa phát huy được hiệu quả, bao gồm cả giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong quần chúng nhân dân;

Do lợi ích kinh tế chi phối nên lợi ích về chuẩn mực đạo đức truyền thống ở nhiều gia đình hiện nay có nguy cơ bị phá vỡ. Tình cảm và các giá trị đạo đức bị coi nhẹ đã tác động trực tiếp tới nhận thức, tư duy của con cái, người chưa thành niên trong gia đình theo những hướng xấu ngược với những giá trị đạo đức truyền thống;

Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường dù được triển khai rộng khắp nhưng phần lớn mang tính hình thức, nên hiệu quả mang lại không cao, các em học sinh không nhận thức được nhiều về pháp luật. Một số em học sinh ăn chơi, đua đòi dễ bị dụ dỗ lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, công tác phối hợp đấu tranh, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể vẫn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, mới chỉ chú trọng xử lý các vụ việc đã xảy ra mà chưa coi trọng công tác phòng ngừa. Việc kết hợp trong giáo dục giữa nhà trường và gia đình để quản lý học sinh đã được thiết lập, nhưng hiệu quả chưa cao.

VKS kiến nghị các giải pháp phòng ngừa

Để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã ban hành Kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ các giải pháp:

Tiếp tục phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội; kịp thời phát hiện báo tin, tố giác tội phạm cho các cơ quan chức năng xử lý; Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh COVID -19 trong mỗi người dân.

 Chỉ đạo Công an huyện Tiên Lữ và Công an các xã, thị trấn thường xuyên trấn áp tội phạm, nhất là các hành vi tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hành chính đối với các nhà nghỉ, quán karaoke, quán game, internet không để hoạt động quá giờ quy định. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi say rượu, bia dẫn đến đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

leftcenterrightdel
 

Nhóm đối tượng đánh nhau bằng hung khí nguy hiểm xảy ra tại khu vực cây xăng Phương Chiểu, TP Hưng Yên.

Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án xâm phạm an ninh trật tự an toàn xã hội. Trong đó bao gồm cả việc xây dựng các vụ án điểm và đưa ra xét xử lưu động tại địa bàn nơi tội phạm xảy ra để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

 Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên hư. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú.

Chỉ đạo các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với học sinh, người chưa thành niên. Cần coi trọng giáo dục để người chưa thành niên hiểu rõ một số luật cơ bản liên quan tới quyền, nghĩa vụ của mình mà người chưa thành niên hay phạm phải như: Luật giao thông, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự…Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho người chưa thành niên có các sân chơi, bãi tập, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút học sinh và người chưa thành niên tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi có ích và thiết thực. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, đào tạo học sinh.

Điều 2 Nghị quyết 63/2013-QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm quy định:

“…Người đứng đầu chính quyền và công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra tội phạm lộng hành... Công an các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp các biện pháp phòng ngừa xã hội, triệt phá các tụ điểm phức tạp về hình sự.. ” 


An Bình