Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tạm dừng sử dụng loại thuốc gây tê do nghi ngờ có liên quan vụ 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ Nữ thành phố. Thông tin này được Bác sĩ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết sáng 20/11.

leftcenterrightdel
 Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng

Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, gần một tháng qua đã có 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng. Sau khi sự việc xảy ra,  Sở Y tế TP Đà Nẵng đã niêm phong, lấy mẫu thuốc gây tê gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để phân tích. Các sản phụ này đều có triệu chứng duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh sau khi được gây tê.

Được biết, loại thuốc gây tê được Bệnh viện Phụ Nữ sử dụng là thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy. Ông Ngô Minh Tuấn - Trưởng Phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP Đà Nẵng) cho biết, theo ghi nhận của sở thì hiện có 3 đơn vị đang sử dụng loại thuốc này là Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng.

Thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, số lô 01DB0619 của Ba Lan sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI – Chi nhánh Đà Nẵng là nhà cung ứng. Bệnh viện Phụ nữ nhập lô thuốc này gồm 250 liều, đã sử dụng 130 liều, số còn lại hiện đang bị niêm phong để chờ kết quả xét nghiệm.

Theo ông Ngô Minh Tuấn - Trưởng Phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP Đà Nẵng), đến nay Sở Y tế TP Đà Nẵng chưa nhận được bất cứ văn bản hay giấy tờ gì của Cục Quản lý Dược cảnh báo, khuyến cáo về loại thuốc này. Còn Bác sỹ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay, sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, bước đầu xác định Bệnh viện Phụ nữ thực hiện đúng quy trình chẩn đoán trước khi phẫu thuật.

leftcenterrightdel
Thuốc  Bupivacaine Spinal 0,5% Heavy thường được dùng gây mê trong các ca sinh mổ

Theo giới thiệu của trang thông tin Thuốc và Biệt dược, loại thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy thuộc nhóm thuốc gây tê, gây mê. Thuốc được chỉ định gây tê tủy sống. Phẫu thuật bụng kéo dài 45 - 60 phút hoặc phẫu thuật tiết niệu, chi dưới kéo dài 2 - 3 giờ. Phẫu thuật chi dưới kéo dài 3 - 4 giờ khi sự giãn cơ là cần thiết.

Thuốc có tác dụng phụ đối với hệ thần kinh trung ương là kích thích hoặc ức chế với biểu hiện choáng váng, buồn nôn, sợ hãi, thờ ơ, lú lẫn, chóng mặt, ngủ gà, ù tai, hoa mắt, nôn mửa, cảm giác nóng, lạnh hoặc tê, co rút, run, co giật, mất chi giác, ức chế hô hấp và/hoặc ngừng hô hấp, kích động, nói khó, nói lắp. Trước tiên là lơ mơ, mất tri giác, ngừng hô hấp.

Xuân Nha - Đ.T