Cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương

Đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2016/TT-BYT, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 8 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương. Cụ thể, Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương có nhiệm vụ khám giám định phúc quyết cho các đối tượng theo quy định của pháp luật trong các trường hợp đó là: Vượt quá khả năng chuyên môn của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng Giám định y khoa các bộ.

Cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết quả khám giám định của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng Giám định y khoa các bộ và có đề nghị khám giám định phúc quyết.

Theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương có nhiệm vụ khám giám định (bao gồm khám giám định lần đầu và khám giám định lại) theo quy định của pháp luật cho các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn được Bộ Y tế phân công.

Liên quan đến việc giải quyết hồ sơ giám định y khoa, dự thảo Thông tư nêu rõ: Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, thì có văn bản đề nghị Hội đồng Giám định y khoa các cấp tổ chức khám giám định, khám giám định phúc quyết, khám phúc quyết lần cuối theo quy định.

Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa phải tổ chức khám giám định hoặc hoàn thiện và chuyển hồ sơ khám giám định của đối tượng đến cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa Trung ương để xem xét khám giám định phúc quyết hoặc khám phúc quyết lần cuối theo quy định

Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong Biên bản Giám định y khoa của Hội đồng Giám định y khoa các cấp, trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày ban hành Biên bản Giám định y khoa, cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong Biên bản Giám định y khoa của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có văn bản gửi Hội đồng Giám định y khoa nơi đã khám giám định cho đối tượng, nêu rõ lý do không đồng ý. Quá thời hạn nêu trên, Hội đồng Giám định y khoa không xem xét giải quyết.

Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cá nhân hoặc tổ chức, Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa đã khám giám định cho đối tượng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời đối tượng.

Nếu cá nhân hoặc tổ chức vẫn không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Hội đồng Giám định y khoa các Bộ thì Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Hội đồng Giám định y khoa các Bộ hoàn thiện, chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương để khám giám định phúc quyết; thông báo bằng văn bản cho cơ quan giới thiệu và đối tượng được biết để phối hợp thực hiện.

Nếu cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương thì Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương đã khám giám định cho đối tượng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét khám giám định phúc quyết lần cuối. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan giới thiệu và đối tượng được biết để phối hợp thực hiện.

Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập là Hội đồng cao nhất về Giám định y khoa của Bộ Y tế; mết luận của Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối là kết luận cuối cùng về chuyên môn Giám định y khoa thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. 

Nếu cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối thì Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối có trách nhiệm xem xét báo cáo Bộ Y tế có Văn bản trả lời lần cuối cùng cho cá nhân hoặc tổ chức.

Thời hạn không quá 1 tháng đối với trường hợp giám định nguyên nhân chết

Đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y, theo dự thảo, thời hạn giám định pháp y thực hiện theo quy định tại Điều 206, 207, 208 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, thời hạn giám định không quá 1 tháng đối với trường hợp giám định nguyên nhân chết.

leftcenterrightdel
 Người bệnh phải được chăm sóc công bằng, toàn diện, liên tục, bảo đảm hài lòng, chất lượng. (Ảnh minh hoạ)

Thời hạn giám định không quá 9 ngày đối với trường hợp giám định: Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe (tổn thương cơ thể) hoặc khả năng lao động.

Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.

Thời hạn giám định quy định trên cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.

Cùng với đó, dự thảo cũng nêu rõ thời hạn giám định được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời gian giám định.

Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.

Người bệnh phải được chăm sóc công bằng, toàn diện, liên tục, bảo đảm hài lòng, chất lượng

Về dự thảo Thông tư quy định hoạt động chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, dự thảo Thông tư quy định hoạt động chăm sóc người bệnh, điều kiện bảo đảm và trách nhiệm thực hiện hoạt động chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh nội trú của Nhà nước, tư nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cùng với đó, dự thảo đã nêu rõ 6 nguyên tắc chăm sóc người bệnh trong bệnh viện gồm: Bảo đảm chăm sóc lấy người bệnh là trung tâm nên người bệnh phải được chăm sóc công bằng, toàn diện, liên tục, bảo đảm hài lòng, chất lượng.

Chăm sóc, theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của bệnh viện, các hoạt động chăm sóc, theo dõi do điều dưỡng viên, hộ sinh viên thực hiện và chịu trách nhiệm.

Can thiệp chăm sóc phải dựa trên cơ sở các yêu cầu chuyên môn và sự đánh giá nhu cầu riêng của mỗi người bệnh để chăm sóc phù hợp.

Bảo đảm quyền và an toàn người bệnh bao gồm phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Việc chăm sóc thực thể đi đôi với nội dung chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh, người nhà người bệnh và thông tin, giáo dục sức khỏe nhằm giúp người bệnh yên tâm điều trị, phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế.

Hoạt động chăm sóc người bệnh luôn gắn liền với cải tiến chất lượng chăm sóc đối với mỗi người bệnh, mỗi khoa, bộ phận và toàn bệnh viện.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cụ thể các hoạt động chăm sóc người bệnh trong bệnh viện như: Xây dựng, phổ biến các kế hoạch công tác điều dưỡng, hướng dẫn, quy định, quy trình chăm người bệnh; thực hiện các quy trình chăm sóc người bệnh; vệ sinh cá nhân cho người bệnh; chăm sóc dinh dưỡng, phục hồi chức năng, chăm sóc tinh thần, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh; ghi chép, quản lý hồ sơ chăm sóc.

Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe; thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán; thiết lập môi trường an toàn trong chăm sóc người bệnh; giám sát thực hiện các hoạt động điều dưỡng; quản lý người bệnh; tham gia quản lý, sử dụng, thiết bị, dụng cụ, vật tư chăm sóc; cải tiến chất lượng chăm sóc; đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến…

P.V