Theo BS Thuyên, ngộ độc thực phẩm thông thường do 3 lý do,  thứ nhất là do vi khuẩn, thứ 2 do vi rút, thứ 3 là do hóa chất, độc tố từ trong thực phẩm. Cả 3 nguyên nhân đó để mà gây chết người thì khó, rất hi hữu. “Hàng năm, ở Việt Nam có cả hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm, lớn có, nhỏ có nhưng để gây chết người thì rất ít. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời”, BS Thuyên nói.

Cũng theo BS Nguyễn Văn Thuyên, ngày xưa, do khó khăn về đi lại nên người bị ngộ độc thực phẩm không được cấp cứu kịp thời nên bị mất nước mới dẫn đến chết người. Còn thời điểm hiện tại, khoa học công nghệ tiên tiến, đi lại thuận lợi, được cấp cứu kịp thời, đến bệnh viện bác sỹ sẽ cho bù nước nên trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm là rất thấp. Trường hợp ngộ độc thực phẩm mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng vẫn xảy ra tử vong là do độc tố gây ngộ độc, lượng độc tố tiết ra từ vi sinh vật và do cơ địa của bệnh nhân.

leftcenterrightdel
BS Nguyễn Văn Thuyên - Phó giám đốc Bệnh viện Sơn Trà trao đổi với PV về ngộ độc thực phẩm 

Thông thường, ngộ độc thực phẩm gây tử vong là do mất nước và bệnh nhân không được bù nước kịp thời. Cũng có những trường hợp bệnh nhân không thể uống để bù nước vì uống vào nôn ra thì bác sỹ sẽ xử lý cho truyền để bù nước. Thực tế, Bệnh viện Sơn Trà tiếp nhận những ca ngộ độc thực phẩm riêng lẻ là rất nhiều, mỗi ngày có thể xảy ra năm, bảy ca. Thường thì bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa do thực phẩm. Tới cấp cứu bác sỹ xử lý cho truyền bù nước và hôm sau bệnh nhân khỏe lại bình thường.

Ở một diễn biến khác trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến vợ và con tử vong, người chồng nguy kịch, chiều 19/9, BS Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho hay, người chồng là anh Đ.N.V đã có dấu hiệu phục hồi tốt nhưng anh này đang bị sang chấn tâm lý nặng do đã biết vợ và con mình tử vong.

Theo BS Nhân, mặc dù bệnh nhân đã tỉnh lại, có thể tiếp xúc, phản ứng tốt với y bác sỹ nhưng chưa thể khẳng định bệnh nhân đã vượt qua được tình trạng nguy hiểm và khỏe mạnh hoàn toàn. Để khẳng định điều này cần thêm thời gian. Hiện bệnh viện đang điều trị về tâm lý cho bệnh nhân. Bệnh viện đang tiếp tục theo dõi nghiêm ngặt các vấn đề về sức khỏe của bệnh nhân này.

Lý giải điều này, BS Lê Đức Nhân cho biết, việc phải đối diện với cú sốc mất người thân khiến người bệnh đang bị căng thẳng. “Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia để điều trị tiếp tục cả về sức khỏe tâm lý cho bệnh nhân này. Phía bệnh viện đã nhận được thông báo của cơ quan điều tra về việc tiếp xúc lấy thông tin, tuy nhiên chúng tôi đang cân nhắc thời gian. Bởi, trong thời gian điều trị, bệnh nhân được cho sử dụng thuốc an thần, cần có thời gian phục hồi. Bệnh nhân cần tỉnh táo hoàn toàn thì thông tin mới chuẩn xác” BS Nhân nói.

leftcenterrightdel
BS Lê Đức Nhân nói về tình trạng sức khỏe anh Đ.N.V 

Như báo BVPL đã đưa tin, sáng 16/9, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tiếp nhận 1 bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài bệnh nhân đang nguy kịch, hai người khác đã tử vong khi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ là chị V.T.N.M (SN 1991) cùng con trai (SN 2014). Cả 3 người này là một gia đình, hai người tử vong là vợ và con trai. Người nguy kịch là anh Đ.N.V (SN 1989) chồng, cha của chị M và bé trai. Những người này nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Tiếp đó, PV báo BVPL đã tìm hiểu được có thêm hai người có triệu chứng đau bụng và nôn ói xảy ra cùng ngày và ở cùng khách sạn nơi gia đình anh Đ.N.V. lưu trú. Sau khi được đưa đi cấp cứu, người bà nội đã bình phục sức khỏe nhưng cháu Nguyễn Minh Kh (SN 2014, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã không qua khỏi và tử vong vào khoảng 1h sáng 16/9. Phía Bệnh viện Sơn Trà và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng kết luận cháu Kh. bị viêm dạ dày ruột cấp còn bà nội cháu Kh. bị rối loạn tiêu hóa nhẹ.

Xuân Nha