Theo các bác sĩ tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, vào dịp sau Tết dương lịch cho đến Tết nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu lại tăng lên. Không ít người nằm liệt giường, mù mắt sau trận nhậu.

 

 Cấp cứu ngộ độc rượu tại BV Bạch Mai.
Cấp cứu ngộ độc rượu tại BV Bạch Mai.


Uống rượu quê vẫn ngộ độc

Anh Nguyễn Văn L, 43 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mờ mắt. Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân đã có dấu hiệu hôn mê.

Theo người nhà nạn nhân, cách đây vài ngày anh L có uống rượu trắng, mua ở ngoài cửa hàng.

Sau khi uống, anh L vẫn thấy bình thường. Hai ngày sau anh thấy mình có dấu hiệu mờ mắt, không nhìn thấy gì. Bệnh nhân đi kiểm tra mắt và được chuyển vào trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai vì nghi ngờ mù mắt do ngộ đọc methanol.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp của anh L. không phải là hiếm. Tại trung tâm chống độc, hầu như vào dịp tết nào cũng cấp cứu không ít ca ngộ độc rượu, trong đó có ngộ độc methanol.

Có những năm số ca ngộ độc rượu tăng lên tới 30% do nhu cầu uống rượu, liên hoan tiệc tùng dịp này nhiều. Một phần cũng là do thói quen văn hoá của người Việt phải có rượu, bia ngày tết.

Dung môi làm sơn cho vào rượu

Thạc sĩ Nguyên cho biết methanol có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp. Methanol có nhiều công dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi véc ni, dung môi,…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nhưng vì lợi nhuận người ta đã sử dụng cồn này thay ethanol gây ra ngộ độc rượu.

Khi vào cơ thể, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá (nồng độ đỉnh đạt được sau 30-90 phút), có thể hấp thu qua da và đường hô hấp. Phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm hơn so với ethanol và ethylen glycol. Điều này giải thích cho hiện tượng nhiễm độc xuất hiện chậm.

Tốc độ chuyển hóa của methanol chậm. Khi bệnh nhân uống rượu có cả ethanol thì tác hại của methanol càng tăng lên.

Khi vào cơ thể, chỉ từ 3-5% liều uống được đào thải qua thận ở dạng nguyên vẹn, khoảng 5% liều uống được thải qua thận dưới dạng acid formic, và tới 12% được đào thải qua phổi ở dạng nguyên vẹn.

Theo các bác sĩ, sau 1 - 2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.

Để nhận biết dấu hiệu say rượu hay ngộ độc rượu, cần quan sát phản ứng của người đó. Nếu người đó rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyên cho biết, ngộ độc methanol thông thường rất khó nhận biết, Phải sau 2 ngày mới thấy mờ mắt, tổn thương não, hôn mê, tụt huyết áp. Lúc đó người bệnh đến bệnh viện đã quá muộn, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến vài chục phần trăm, không tử vong thì cũng để lại di chứng mù mắt, bại não suốt đời.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được nên cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

 

Theo Phương Thúy/Infonet

.