Các trạm y tế lưu động này kết hợp chặt chẽ với đội phản ứng nhanh của xã, phường để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Các trạm cũng tham gia xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người dân. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động, tùy số lượng F0 trên địa bàn. Bất kể ngày hay đêm, khi có kết quả xét nghiệm phát hiện F0 thì các trạm y tế lưu động nắm bắt để hướng dẫn chăm sóc, tư vấn sức khỏe. Các trạm này sẽ góp phần to lớn cho việc giảm tải với các bệnh viện điều trị COVID-19.
Để chăm sóc F0 tại nhà, trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy cố định, bình di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Nhân lực ở trạm y tế lưu động có bác sĩ, y tá (hoặc điều dưỡng) và các tình nguyện viên. Cách trạm y tế lưu động còn cấp thuốc cho các trường hợp mắc các bệnh mãn tính và cung cấp các dịch vụ y tế khác thuận lợi cho người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Đại diện cho cơ quan được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP HCM thiết lập và vận hành các Trạm Y tế lưu động, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị (bao gồm các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực...) sẽ bị quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết. Chiến lược thành lập các Trạm Y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay và mới chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
Đến nay tại TP.HCM có đến 45.000 người cần theo dõi, chăm sóc. Trong đó có 23.000 người đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà cách ly, theo dõi tiếp. Đây là đối tượng chính mà các trạm y tế lưu động phục vụ. Bên cạnh đó, những người dân khác mắc bệnh thông thường hay có bệnh mãn tính cũng được chăm sóc và điều trị.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Long, nhiệm vụ của các Trạm Y tế lưu động là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong. Các trạm này cũng triển khai mạnh mẽ việc xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng, đặc biệt là xét nghiệm bằng test nhanh ở các "vùng đỏ", "vùng cam" để sớm phát hiện F0 quản lý cho tốt.
Các trạm này cũng triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, đây cũng có thể xem là điểm tiêm chủng hiệu quả. Cùng với đó, phải truyền thông mạnh mẽ đến từng người dân về COVID-19, hướng dẫn cho họ cách phòng tránh và các thắc mắc của người dân. Các trạm lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất.
* Ngày 26/8, Bệnh viện 199 – Bộ Công an tổ chức Lễ xuất quân hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đây là đợt chi viện lần 2 của Bệnh viện 199 nhằm góp phần chung sức cùng TP Hồ Chí Minh nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đoàn y bác sĩ gồm 17 người, trong đó có 6 bác sĩ, 11 điều dưỡng, kỹ thuật viên bác sĩ CKII Trần Quang Pháp – Phó Giám đốc Bệnh viện 199 làm trưởng đoàn. Toàn bộ các thành viên đã hoàn thành đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.