0h ngày 12/4/2020, Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa, Hà Nội thông báo Quyết định số: 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020; Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 28/3/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.

leftcenterrightdel
Niềm vui của lãnh đạo và nhân viên bệnh viện Bạch Mai 

Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả ngày từ 28/3, khi Bộ y tế xác định có 8 ca dương tính với COVDI-19 liên quan đến bệnh viện. Sau đó, cơ quan chức năng đã ghi nhận hơn 52.000 trường hợp liên quan người nhiễm COVID-19 (bệnh nhân, người thân đến thăm...) trên cả nước. Hà Nội có trên 16.000 trường hợp liên quan. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm được hơn 15.000 trường hợp và đều cho kết quả âm tính; những người còn lại dự kiến được xét nghiệm xong trước 12/4. Hơn 1.000 cán bộ nhân viên y tế của viện cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm từ 1 đến 3 lần và đều cho kết quả âm tính.

leftcenterrightdel
Quyết định kết thúc cách ly y tế được thông báo cho người dân 

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Đức Hùng cho biết: Việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai là điều kiện để cho các bệnh nhân tiếp cận được trở lại với y tế chuyên sâu của Bệnh viện. Thời gian bị cách ly vừa qua đã làm gián đoạn cơ hội được thăm khám, điều trị của những người bệnh tin yêu bệnh viện và những người bệnh tham gia các chương trình quản lý bệnh mạn tính.

Theo TS. Hùng, thời gian tới để an toàn cho bệnh nhân đến khám ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn về mặt dịch tễ ở mức cao nhất. Bệnh viện phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, về mặt dịch tễ, về mặt xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế đã xác định: dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Vì vậy, đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính. Và trên thực tế thì có rất nhiều người lành mang bệnh, có nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng mà trong người họ có virus ở đường hô hấp. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là thường trực. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người thân của người bệnh khi đến khám cũng như đảm bảo sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế khi thăm khám là mục tiêu của giai đoạn tới của bệnh viện.

Công tác sàng lọc nhiều cấp độ, nhiều tầng lớp đã được lên phương án để làm sao tất cả những bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai đều có thể phát hiện một cách nhanh nhất, để loại trừ tối đa nguy cơ lại có một trường hợp dương tính trong bệnh viện. Tuy nhiên, đây là một việc khó, cần sự triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, vệ sinh ở trong bệnh viện cũng đã được tăng cường ở mức độ cao nhất và đặc biệt là tập huấn cho các cán bộ y tế tăng cường truyền thông đối với người bệnh và người nhà ra vào bệnh viện để cho tất cả đều hiểu, vì chống dịch là công việc của tất cả mọi người chứ không chỉ của riêng y tế. Chúng tôi tin rằng, với việc triển khai một cách đồng bộ thì khi Bệnh viện Bạch Mai tái khởi động lại, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất.

Hoài Thu