Sáng 7/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Trong 25 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu thì có những ca không xuất hiện triệu chứng bệnh nên rất khó phát hiện.

leftcenterrightdel
Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung mọi nguồn lực khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu.   

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch ở các huyện Krông Nô, huyện Đắk R’Lấp và huyện Đắk G’long (2 ổ dịch tại xã Đắk R’Măng và xã Quảng Hòa). Trong đó, có 19 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Số ca bệnh còn lại đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Ngay sau khi xuất hiện dịch ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh mua huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu cho các bệnh nhân. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân trong đó có những ca nặng tình trạng sức khoẻ đã ổn định.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch đồng thời tổ chức tiêm vaccine cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng 2.569 người trong và ngoài vùng dịch.

Sáng cùng ngày, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có 13 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. 12 ca dương tính hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai và Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương trực thuộc thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Kon Tum, có 23 trường hợp dương tính với bạch hầu. Do đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. 

leftcenterrightdel
Chốt kiểm dịch hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. 

Tại tỉnh Đắk Lắk, chiều ngày 7/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa nhận được báo cáo về ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Bệnh nhân là H’B. J. (1968, dân tộc M’Nông, trú tại Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Bệnh khởi phát ngày 4/7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, nuốt khó… ở nhà tự mua thuốc uống nhưng không bớt. Đến ngày 6/7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lắk.

Trước những dấu hiệu nghi ngờ trên, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu gửi Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến chiều 7/7, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã khoanh vùng, thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp tiếp xúc gần, phun hóa chất khử trùng tất cả hộ dân trong buôn và thực hiện các quy định về phòng chống bệnh bạch hầu.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tăng cường theo dõi, phát hiện các trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Khi có những trường hợp nghi ngờ phải báo cáo theo quy định./

Nguyễn Chính