'Khi sinh con ra, mình sẽ cố lấy vài sợi tóc của con, gói cẩn thận. Mình cũng xin số điện thoại của các mẹ cùng phòng nữa', một bà bầu chia sẻ.

 


Vừa đọc kinh nghiệm của những người đi trước, nhiều mẹ bầu giờ cũng vắt óc suy nghĩ cách đánh dấu để con không bị trao nhầm ở bệnh viện.

"Đọc mấy vụ nhầm con gần đây mình hoang mang quá. Dù biết những vụ đó chỉ là hy hữu nhưng vẫn lo, làm sao biết nó không rơi vào nhà mình. Thế nên mình nghĩ khi sinh con ra, chắc mình sẽ cố lấy vài sợi tóc của con, gói ghém cẩn thận để nhỡ đâu có nhận nhầm, hay linh tính thấy có điều gì đó còn có cơ sở để tìm lại con. Mình chắc chắn cũng xin số điện thoại của các mẹ cùng phòng nữa, cẩn thận chắc không thừa", chị Linh Nga (Hà Đông) cho hay.

Tháng 4 này sẽ sinh bé gái đầu lòng, chị Hương Ngân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dự định sẽ không cho bé đi tắm ở bệnh viện nếu sinh thường, chị sẽ thuê một hộ lý về tận nhà tắm cho con. Trong trường hợp sinh mổ phải ở viện lâu, chị cũng sẽ nhờ luôn một hộ lý đặc biệt chăm sóc con mình. Chị chia sẻ dù tốn thêm một khoản nữa nhưng chị sẽ yên tâm hơn, tránh mọi trường hợp xấu có thể xảy ra với con.

Nỗi lo lắng của các gia đình là có cơ sở, tuy nhiên những trường hợp nhầm con chỉ là hy hữu bởi hiện nay, hầu như các bệnh viện sản lớn đều đã có những biện pháp đánh dấu mẹ và con rất khoa học. Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) áp dụng phương pháp da tiếp da ngay khi em bé được sinh ra, sau đó các y tá viết số lên đùi bé (về phải tắm vài lần mới hết), đeo vòng ghi đủ thông tin cả mẹ và bé, vòng đó không được tháo ra cho đến khi xuất viện. Tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM), em bé và mẹ đều được đeo hai vòng tay giống nhau ghi tên mẹ, giới tính bé, ngày giờ sinh, cân nặng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và một số viện khác cũng đều có gắn vòng đánh số giống nhau cho mẹ và bé.
 

Theo vnexpress

.