|
|
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm. |
Tham dự buổi Tọa đàm, về phía Ban Tổ chức có PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình truyền thông; Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông; Bà Hoàng Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Thành viên Ban tổ chức Chương trình truyền thông; Ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban thư ký Chương trình truyền thông.
Về phía khách mời có: Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH; Bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội; TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
|
|
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông cho biết, Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” do Báo Kinh tế và Đô thị cùng tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp triển khai, đề cập đến những vấn đề quyền của nữ công nhân lao động, người khuyết tật, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và đảm bảo an sinh xã hội cho những người yếu thế.
Bước sang năm thứ 4, cuộc thi đã được Ban tổ chức phát triển thành Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” với những hoạt động gợi mở và bứt phá như: Mở chuyên mục tư vấn pháp luật nhằm cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc liên quan đến pháp luật cho người lao động; Đào tạo kỹ năng sản xuất nội dung số cho sinh viên; Tọa đàm “Giảm nguy cơ lọt lưới an sinh” thảo luận về các biện pháp giảm nguy cơ lao động không tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội; Tổ chức chuyến đi thực tế cho phóng viên đến làng nghề làm khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) để tìm hiểu về nghề truyền thống và những thách thức, cơ hội cho lao động tại đây.
|
|
Ban Tổ chức Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" tặng hoa các diễn giả tham dự Tọa đàm. |
Tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” là một trong những hoạt động của Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” 2024 được Ban Tổ chức thực hiện.
Thông qua buổi tọa đàm, Ban Tổ chức mong muốn những nội dung cùng những khuyến nghị được nêu ra sẽ góp thêm tiếng nói để cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tham khảo để điều chỉnh những chính sách đào tạo nghề phù hợp và có lợi nhất đối với người lao động.
Năm tới, Ban tổ chức Chương trình mong muốn phát triển thành Chương trình truyền thông quốc gia để góp thêm những tiếng nói cùng bảo vệ quyền lợi lao động nữ, người khuyết tật, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và đảm bảo an sinh xã hội cho những người yếu thế.
|
|
Các diễn giả tham gia thảo luận tại buổi Tọa đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như: Thách thức và cơ hội cho lao động phi chính thức; Đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với thực tế; Mức hỗ trợ học phí học nghề hiện nay; Giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghề tại các làng nghề; Luật Việc làm (sửa đổi) và việc hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức...
Trong đó, đề cập đến thay đổi trong việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, bao gồm cả người lao động khu vực phi chính thức để phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, trong những năm qua, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hình thức đào tạo trực tiếp không thể thực hiện được, đội ngũ giáo viên tại Trung tâm đã áp dụng hướng dẫn học viên qua lớp học Zoom, Google Classroom để tổ chức các buổi học trực tuyến, giúp học viên dễ tương tác và hỗ trợ học viên tốt hơn. Giáo viên của Trung tâm cũng đã soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về; Tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể giúp học viên tham gia lớp học dễ nắm bắt và thực hành hơn.
|
|
Bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội phát biểu tại buổi Tọa đàm. |
Việc ứng dụng triển khai đào tạo trực tuyến không chỉ giúp nâng cao kỹ năng cho người học mà còn tạo ra cơ hội học tập linh hoạt và thuận tiện, giúp họ dễ dàng hòa nhập vào nền kinh tế số hiện đại. Đặc biệt từ tháng 5/2022, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hồ sơ của người lao động hưởng trợ cấp thấp nghiệp qua cổng dịch vụ công quốc gia. Việc không tiếp xúc với người lao động diễn ra khá nhiều, với tỷ lệ trên 90%.
Đề cập đến mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, ông Đào Trọng Bộ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho biết, khi Quyết định 46 ban hành được 1-2 năm, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ sửa đổi một số quy định để phù hợp, bởi mức hỗ trợ (ăn, đi lại, chi phí đào tạo) còn thấp. Từ đó đến nay, Bộ LĐTB&XH tiếp tục có nhiều lần trình Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định. Năm 2024, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình công tác; hiện đang xin ý kiến các cơ quan liên quan với quan điểm nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ; đồng thời huy động các tổ chức tham gia.
|
|
TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm. |
Theo TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở khu vực làng nghề thì cần có những quy định đặc thù đối đào tạo nghề truyền thống. Không thể yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng, và bài giảng phải có bao nhiêu trang,... Bởi lẽ, trên thực tế có những nghệ nhân không có giáo trình, họ truyền đạt, dạy bằng cách thực tế, truyền tay chỉ việc,... nên việc yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng rất khó khăn. Thực tế, có những nghề khó đưa lên giáo trình, nhiều người đã về làng nghề truyền thống để giúp các nghệ nhân viết lại giáo trình nhưng cũng rất khó khăn.