“Qua khảo sát 64 doanh nghiệp, nhiều người lao động nghỉ việc sau khi làm từ 6-7 năm. Lao động chỉ làm đến 31-32 tuổi và ít người làm đến 35 tuổi. Về lâu dài, điều này có nguy cơ tăng số lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần”.
 
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức chiều 26/7 tại Hà Nội.
 
Khẳng định tình trạng doanh nghiệp "thải loại" lao động trên 35 tuổi đang trở thành một xu hướng có thật, ông Lê Đình Quảng cho biết: "Tình trạng này đã diễn ra cách đây 6-7 năm nhưng tới thời điểm này diễn ra rõ hơn".
 
Cụ thể, qua thực tế giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội trong năm 2017, cho thấy tình trạng cho lao động quá 35 tuổi nghỉ việc nhiều. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực sử dụng lao động trực tiếp, không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó.
 
 
“Sau 35-40 tuổi, sức khoẻ người lao động không còn nhanh nhạy, ít khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, thời gian công tác dài tất yếu dẫn tới chi phí về tiền lương và BHXH của người lao động cao lên” - ông Lê Đình Quảng giải thích.
 
Đứng trước thực tế này, không ít doanh nghiệp đã thoả thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc.
 
Theo đại diện Ban Quan hệ lao động tại cuộc họp, điều này là một sự báo động đối với quyền lợi của người lao động, các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm bền vững.
 
Ông Lê Đình Quảng giải thích: Những lao động này sau khi kết thúc làm việc đa số sẽ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Họ khó có cơ hội tìm kiếm công việc mới ở khu vực có quan hệ lao động vì tay nghề thấp, tuổi đời đã cao.
 
Thực tế trên buộc người lao động phải quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH.
 
“Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Trong khi đó, Luật Lao động quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55. Cần có sự điều chỉnh và sửa đổi về pháp luật lao động theo hướng tạo việc làm bền vững. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó bởi pháp luật lao động xây dựng trên cơ chế thị trường linh hoạt” - ông Lê Đình Quảng nói.
 
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, về phía doanh nghiệp cần có ý thức trách nhiệm xã hội: “Người lao động đã gắn bó cả thời trẻ tuổi thì doanh nghiệp nên có chính sách xã hội với lao động. Mặt khác, người lao động cũng nên có ý thức, đừng vì lợi ích trước mắt - khoản trợ cấp cao mà chấp nhận nghỉ việc”.
 
Việc sa thải lao động dưới 35 tuổi tác động tới chính sách BHXH
 
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, khẳng định việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, làm gia tăng việc nhận bảo hiểm thất nghiệp, nhận BHXH một lần.
 
“Ban thực hiện chính sách BHXH cần có báo cáo phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn” - ông Phạm Lương Sơn nói.
 
Theo Hoàng Mạnh/Dân trí