Chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH
Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2014 (thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 (riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018).
Luật BHXH 2014 thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11 với những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nổi bật như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và những người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Cùng với đó, một điểm nổi bật khác là Luật đã sửa đổi việc Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
Đồng thời, điều chỉnh công thức tính lương hưu và quy định chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của cơ quan BHXH...
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, quá trình thực tiễn thực hiện Luật BHXH cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nên diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động.
Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Về quy mô tham gia BHXH trên thực tế: Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.
Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Khó đảm bảo quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn
Một trong những hạn chế, bất cập khác là quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do NSNN đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỉ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỉ lệ hưởng bình quân 70,1%.
Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỉ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỉ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.
Tỉ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỉ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ. Tỉ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới và chính sách hưu trí của Việt Nam được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là thuộc loại hào phóng nhất thế giới.
Cùng với đó, chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng. Hiện nay tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì khoảng cách chênh lệch giữa người có mức lương hưu cao nhất và lương hưu thấp nhất hiện nay là tương đối lớn.
Mặt khác, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Theo quy định của Luật BHXH điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng BHXH phổ quát) do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Ngoài ra, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì việc đề xuất sửa đổi Luật là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) nhằm xây dựng chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Đồng thời, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Luật phải đảm bảo các quan điểm chỉ đạo, đó là: Tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách BHXH và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.
Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã đi vào cuộc sống, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia BHXH tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.
Xây dựng các chế độ BHXH trên cơ sở kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Đồng thời, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
|