Hậu quả của việc thiếu thông tin

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Bình cùng với Công an một số địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ các đường dây xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép. Phần lớn nạn nhân là lao động nghèo, trình độ thấp, không có việc làm ổn định. Không ít hộ gia đình đã thế chấp, cầm cố nhà cửa, vay mượn để nộp tiền cho con đi XKLĐ, song sau khi nhận được tiền, các “cò” lao động đã tắt điện thoại, trốn biệt tăm. Không chỉ ở tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2017 đến nay, ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo XKLĐ, như tại Đắk Lắk, Phú Thọ, Hà Nội..., khiến nhiều người dân, nhiều gia đình điêu đứng.

leftcenterrightdel
Mờ mắt trước đồng tiền, Nguyễn Thúy Vi nhận cái kết đắng. 

Điển hình như vụ Vũ Thúy Vi (SN 1990, ở Tây Ninh) lừa đảo chiếm đoạt tài sản được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử mới đây. Vi đã lên facebook, zalo, mạo danh là giám đốc để tuyển dụng người đi XKLĐ và đã lừa được 18 người, với tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 4,2 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là, hành vi đưa thông tin tuyển dụng trên facebook của Vi và các đối tượng có liên quan đã không được cơ quan chức năng nào chú ý để ngăn chặn, cảnh báo từ sớm, mà chỉ đến khi nhóm “nạn nhân” tập trung tại sân bay để xuất cảnh nhưng không thành, cùng thời điểm này, Vi xóa sạch các tài khoản trên mạng xã hội và bỏ trốn thì hành vi lừa đảo mới bị phát hiện.

Trong khi hiện nay, các thị trường lao động ngoài nước như Singapore, Nhật Bản,  Australia, Canada... là những thị trường khá khó tính (có yêu cầu cao). Thế nhưng, thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc ở Singapore, Nhật Bản. Chỉ cần vào “google” và tìm kiếm thông tin "tuyển dụng xuất khẩu lao động đi Singapore" là thấy vô số thông tin. Ngay trang đầu tiên của ongtyxklduytin.com đã khẳng định mình là công ty làm dịch vụ XKLĐ đi Singapore có uy tín với 10 năm kinh nghiệm. Công ty tuyển dụng thường xuyên theo nhu cầu của đối tác Singapore với nhiều ngành nghề như du lịch, cơ khí, kỹ thuật... cùng mức lương cao ngất ngưởng. Còn một số trang mạng xã hội thì tuyển dụng với các ngành nghề như: massage, phụ bếp, làm bánh mì và bán hàng,…

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TBXH cấp. Tuy nhiên, đã không có những cảnh báo kịp thời từ cơ quan chức năng trong quá trình các đối tượng thông tin, tiếp cận người dân, chỉ đến khi người dân gom góp hết tiền, thậm chí cầm cố tài sản, vay mượn để có tiền nộp cho những đối tượng cò mồi, những công ty “ma” đó thì hành vi của chúng mới bị “vạch mặt, chỉ tên”.

Ai giúp người lao động kiểm chứng thông tin tuyển dụng?

Có một điểm chung trong các vụ lừa đảo XKLĐ khiến người dân “tiền mất tật mang”: người dân còn thiếu thông tin chính thống về lao động, việc làm. Họ không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, thông tin XKLĐ mà họ nắm được hoàn toàn hạn chế. Đồng thời, họ cũng không biết được quy trình đưa người đi lao động nước ngoài có trình tự như thế nào, và chỉ các doanh nghiệp được Bộ LĐ- TBXH cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, những người có nhu cầu đi XKLĐ khi đã đặt hồ sơ vào đơn vị nào thì nên tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp đó. Kiểm tra thông qua mạng internet, trang web của doanh nghiệp hoặc qua Cục Quản lý lao động ngoài nước để hạn chế rủi ro, tránh tiền mất mà không có việc.

Tuy nhiên, một người dân cho biết: tra cứu trên mạng thì thấy thông tin nhiễu loạn, không biết đâu là thật, đâu là giả (chưa kể đối với nhiều người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp xúc với mạng internet còn là điều xa xỉ); vào website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì thấy, thông tin liên quan đến XKLĐ còn rất sơ sài, tại phần giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ vẫn chỉ đơn thuần có vài dòng điện thoại và địa chỉ…
Trong khi những đối tượng “cò”, công ty “ma” tiếp cận người lao động khá dễ thì theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, việc doanh nghiệp chính thức được cấp phép XKLĐ tiếp cận người lao động lại có phần bị hạn chế, phải qua nhiều cấp. Thậm chí tỉnh cho phép nhưng đến huyện lại bị... mắc.

Nguyên nhân được đưa ra là, một phần do tư duy của huyện cứng nhắc, chưa nghĩ đến lợi ích của người dân và giúp dân thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số huyện thì dùng "chiêu trò" nhằm hạn chế các doanh nghiệp mới, mục đích chỉ cho các doanh nghiệp “sân sau” của địa phương hoạt động (?).

Thanh Trà