|
|
12 cán bộ xã cho rằng, họ đã mặc nhiên là công chức. |
Số lao động này được tuyển dụng hoặc cử tuyển, không qua thi tuyển để đảm nhận các chức danh chuyên trách tại UBND cấp xã, theo quy định được xếp là công chức, trên cơ sở đề xuất của Phòng Tổ chức lao động và sự chấp thuận của UBND huyện. Thời điểm tuyển dụng chủ yếu trong giai đoạn Pháp lệnh Cán bộ, công chức 1998 có hiệu lực.
Năm 2002, bà Nguyễn Thị Doa được UBND huyện M’Đrắk cử đi học lớp Trung cấp kế toán theo diện cử tuyển, kinh phí do Nhà nước chi trả 100% với cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về công tác tại địa phương liên tục trong 5 năm. Sau khi học xong, tháng 7/2003, trên cơ sở đề xuất của Phòng Tổ chức Lao động huyện và sự chấp thuận của UBND huyện M’Đrắk, bà Doa được tuyển dụng vào làm cán bộ tài chính - kế toán xã Ea Riêng. Tháng 10/2004, UBND huyện M’Đrắk ban hành quyết định phân bổ số lượng định biên cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách xã Ea Riêng (theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP), bà Doa có tên trong danh sách 20 cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã. Tháng 4/2015, UBND huyện M’Đrắk có quyết định bổ nhiệm bà Doa làm Kế toán trưởng UBND xã Ea Riêng. Quá trình từ 2003 đến nay, bà Doa luôn hoàn thành nhiệm vụ, được nâng lương theo định kỳ, ngạch công chức loại B rồi loại A0.
Một trường hợp khác: năm 2001, ông Nguyễn Chí Lai (SN 1967) được UBND xã EaMlay nhận vào làm việc, giữ chức vụ Kế toán ngân sách xã. Tháng 1/2005, UBND huyện M’Đrắk ban hành quyết định xếp lương cán bộ chuyên trách - công chức cấp xã, bậc 2/16, mã ngạch 01.004, hệ số 1,58. Đến tháng 6/2005, UBND huyện M’Đrắk có quyết định xếp lương mới cho ông Lai, bậc 2/12, hệ số 2,06, thuộc công chức loại B. Tháng 10/2005, ông Lai được UBND huyện M’Đrắk có quyết định cho đi học nâng cao nghiệp vụ hệ Cao đẳng. Tháng 6/2007, UBND huyện M’Đrắk ban hành quyết định bổ nhiệm và cho ông Lai hưởng phụ cấp Phụ trách Kế toán. Tháng 10/2010, UBND huyện M’Đrắk bổ nhiệm ngạch và chuyển xếp lương cho ông Lai từ “công chức loại B” lên ngạch “công chức loại A0” (MS 01a.003), bậc 3/10, hệ số 2,72. Sau nhiều lần nâng bậc lương, hiện nay “công chức hạng A0” Nguyễn Chí Lai có bậc lương 6/10, hệ số 3,65.
Bà Doa và ông Lai chỉ là hai trong số hàng chục cán bộ xã của huyện M’Đrăk đã công tác lâu năm, nay nhận được thông báo đi thi công chức. Trong thâm tâm, họ coi mình là công chức. Các văn bản hành chính liên quan đến việc bổ nhiệm, chế độ chính sách của họ lâu nay, hầu như cũng đều “định danh” họ là công chức!
Ông YLốp Niê- Chánh Văn phòng UBND huyện M’Đrăk thông tin: UBND huyện M’Đrăk đã thông báo cho 21 cán bộ đã được giao giữ các chức vụ Địa chính - Xây dựng, Tài chính- Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa -Xã hội thực hiện thi tuyển Công chức năm 2017 theo kế hoạch của địa phương. Có 12 cán bộ các xã có đơn gửi UBND huyện kiến nghị xem xét lại việc thi tuyển công chức. Số đơn khiếu nại, kiến nghị trên, UBND huyện đã giao cho Thanh Tra huyện giải quyết.
Ông Hồ Tuấn Anh - Trưởng phòng Nội vụ huyện M’Đrăk cho rằng, việc 21 cán bộ đang công tác tại các xã trên địa bàn huyện yêu cầu công nhận họ là công chức là chưa có căn cứ (!?).
Trả lời câu hỏi của Phóng viên: Vì sao trong các quyết định của UBND huyện M’Đrăk về xếp ngạch, nâng lương cho 21 cán bộ cấp xã nêu trên đều ghi họ là công chức và xếp ngạch lương công chức, ông Hồ Tuấn Anh giải thích: việc xếp ngạch lương, bậc lương công chức chỉ là “căn cứ để trả lương mà thôi” (!). Ông Anh cũng thừa nhận trong vấn đề tuyển dụng cán bộ đối với số cán bộ xã nêu trên đã có… “lỗi hệ thống”!
Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2003, xác định: cán bộ, công chức trong biên chế bao gồm những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã. Pháp lệnh cũng quy định, việc tuyển dụng cán bộ, công chức ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa,… hoặc để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở vùng dân tộc ít người thì có thể thực hiện thông qua xét tuyển. Và, việc thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức được thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc (khoản 2 Điều 23). Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, tại khoản 2 Điều 2, đã cụ thể hóa khái niệm “chức danh chuyên môn nghiệp vụ” thuộc UBND cấp xã; mặt khác, cũng quy định việc tuyển dụng công chức cấp xã, xác định rõ cơ chế xét tuyển đối với vùng cao, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng (Điều 13). Đến Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cơ chế tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với vùng cao, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quy định tại khoản 2 Điều 37.
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại giữa các phòng ban, lãnh đạo huyện M’Đrăk với 12 cán bộ có đơn, tổ chức ngày 28/6, “áp” các văn bản pháp luật ban hành và có hiệu lực sau này, cụ thể Nghị định 112/2011/NĐ-CP, Thông tư 06/2012/TT-BNV..., Chủ tịch UBND huyện M’Đrăk “kết” lại, chưa có căn cứ để xác định 12 công dân có đơn là… công chức cấp xã; và, các trường hợp này không đủ điều kiện, cũng không thuộc trường hợp được tuyển dụng thông qua xét tuyển (!?).
Nguyễn Huân