Những khó khăn, hạn chế, bất cập cần được sửa đổi

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động); là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức…

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang trong quá trình sửa đổi, đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trong đó có một số nội dung liên quan về BHTN cần sửa đổi trong Luật Việc làm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Bên cạnh đó, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Hiện nay, phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử …

Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, tuy nhiên chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm đối với thanh niên; chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.

Cùng với đó, các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm chính sách về tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tuy nhiên hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, do đó các chính sách đã không còn phù hợp và phát huy được hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chất lượng, tính minh bạch, chuyên nghiệp của hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao; tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp…

Ngoài ra, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 chưa bảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

9 hành vi bị nghiêm cấm

Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, theo cơ quan chủ trì xây dựng, việc sửa đổi Luật Việc làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Về mục đích sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Về bố cục, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương và 133 điều.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; thể chế hóa các nội dung cải cách về chính sách BHTN của Nghị quyết số 28-NQ/TW; bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15; tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013; rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật nêu rõ 9 hành vi gồm: Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, xu hướng tình dục.

Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; thực hiện hành vi bạo lực hoặc quấy rối dưới mọi hình thức.

Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.

Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm, dịch vụ việc làm, BHTN, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Cản trở, gây khó khăn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Lợi dụng giao dịch việc làm xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chậm đóng, trốn đóng BHTN; chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng BHTN; sử dụng quỹ BHTN không đúng quy định pháp luật; truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHTN; thông đồng, móc nối, bao che, cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHTN; cung cấp thông tin không chính xác về BHTN; xuyên tạc về chính sách BHTN.

Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về lao động; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về tình trạng việc làm.

P.V