Công trình đã xuống cấp

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay.

Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

leftcenterrightdel
Công trình đã tồn tại hơn 200 năm. 

Với hơn 200 năm tồn tại, trước những tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu, nhưng đến nay Điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, hiện trạng công trình đã xuống cấp, nền điện có các cao độ không đồng đều, móng bó vỉa nứt gãy do nền đất nghiêng lún, mất ổn định.

Hệ khung gỗ chuyển vị, mất khả năng chịu lực do các cấu kiện gỗ cột, kèo, xuyên xà bị ẩm mục, đứt mộng; hệ mái bao gồm đòn tay, rui, mái úp nóc... hư hại nặng do thấm dột mái. Phần sơn son thếp vàng ở chính điện, sơn son ở hậu điện bị bong tróc phai màu do cấu kiện gỗ hư hỏng, ẩm mục. Phần mái lợp và trang trí bị xô lệch, nứt vỡ, rêu mốc, thấm dột nặng, đặc biệt ở vị trí máng xối, có nguy cơ sụp đổ cao…

Hệ thống sân và lan can của sân Đại triều nghi gồm 2 tầng lát đá thanh nghiêng lún cục bộ, nứt vỡ ở một số vị trí. Sân đường phía Bắc, Đông và Tây lát gạch Bát Tràng nứt vỡ gần hết, nghiêng lún không đều; tường chắn đất và lan can xuất hiện các vết nứt, nhiều vị trí xô lệch mất liên kết, có nguy cơ gãy đổ cao.

Bên trong nội thất, ngai thờ, bửu tán và các hiện vật... bong tróc sơn, ẩm mục, sứt vỡ. Đặc biệt, bão số 5 năm 2020 đã làm toàn bộ chái phía Tây chính điện bị gãy đổ, gây nguy hiểm cho công trình cũng như sự an toàn của du khách.

Gần 129 tỉ đồng để thực hiện trùng tu

Dự án bảo tồn Điện Thái Hòa được khởi công cuối năm 2021, với tổng vốn gần 129 tỉ đồng,dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2025. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành hạ giải phần mái ngói, các ô hộc, bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, con giống trang trí xuống khỏi công trình; tháo dỡ từng ô pháp lam, hệ vách ván, liên ba, ngưỡng cửa... Những cấu kiện hạ giải có giá trị mỹ thuật cao được đơn vị thi công vận chuyển vào nhà để bảo quản.

leftcenterrightdel
Đơn vị thi công đã hạ giải phần mái của công trình để bắt đầu công việc trùng tu. 

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mục tiêu lớn nhất của dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa là phải bảo đảm yếu tố gốc của di tích. Do vậy, công trình này có riêng một gói thầu scan 3D, tức là dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc, làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này.

Vì vậy, trong quá trình lập dự án, qua nhiều lần hội thảo khoa học, các cơ quan chức năng liên quan xác định đợt trùng tu lần này là quá trình kế thừa xuyên suốt kiến trúc của Điện Thái Hòa từ năm 1833- 1945 và sẽ loại ra một số đợt trùng tu trước đây không theo đúng tiêu chuẩn ban đầu. Do đó, phần mái của điện Thái Hòa trong dự án trùng lần này sẽ được lập lại toàn bộ bằng loại ngói âm ống tráng men màu vàng, còn gọi là ngói hoàng lưu ly. Phần mái phía trước và sau điện sẽ được thay thế lập bằng ngói gốm vảy cá tráng men màu vàng.

Bên cạnh đó, sự độc đáo của điện Thái Hòa còn ở chỗ là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ chữ Hán, vì vậy trong quá trình hạ giải, đối với những vách ván bằng gỗ bên trong điện có khắc thơ, họa đang được bảo quản cẩn thận và sẽ có biện pháp để sơn son thếp vàng phù hợp; đối với những tấm pháp lam ở trên mái điện bị bong tróc đang được nghiên cứu xử lý để cố gắng bảo tồn nguyên vẹn giá trị gốc.

leftcenterrightdel
 Công trình là nơi chứng kiến sự đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại.

Trước đó, văn bản thỏa thuận của Bộ VHTT-DL về dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa cũng có các nội dung đáng chú ý đối với bộ khung gỗ. Đó là bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ, thực hiện biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần, chỉ thay thế (hạn chế) đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn... Trong đó, lưu ý phải “hết sức thận trọng” khi bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết (giữ nguyên vẹn các chi tiết này cả về màu sắc và hình dáng)…

Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong chế độ phong kiến, cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Công trình này đã có nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian gần đây (vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992).

X.Nha