Hồi sinh hoa giấy

Thời gian dần trôi qua, người dân làng hoa giấy Thanh Tiên, Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm hoa giấy, bỗng chốc tuổi đời làng hoa giấy đã lên đến hàng trăm năm. Người dân vẫn miệt mài làm ra những bông hoa giấy rực rỡ màu sắc dù trải qua bao thăng trầm.

leftcenterrightdel
 Hoa giấy Thanh Tiên sẽ rong ruổi trên mọi nẻo đường để mang hương sắc tết về cho mọi nhà.

Hằng năm, đến tháng 11, tháng 12 Âm lịch, làng hoa giấy Thanh Tiên lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi tiếng đục hoa giấy. Những cành hoa giấy rực rỡ như hoa thật thay thế những cành hoa cũ và được đặt lên thờ trên cái am, bếp trong ngày ông Táo về trời, Tết Nguyên đán góp phần tạo sự trang nghiêm nơi thờ tự. Vào dịp Tết Nguyên đán, ngôi làng hoa giấy này cho ra đời hàng chục nghìn cặp bông. Nhộn nhịp đến mức, có những lúc cao điểm, các gia đình còn phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán dịp tết, vì thế trong làng có những người biết làm hoa nhưng đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.

Có hơn 30 năm trong nghề làm hoa giấy truyền thống, ông Nguyễn Văn Hiến (57 tuổi) cho biết, năm nay, gia đình ông làm khoảng 1.000 cặp hoa giấy thờ cúng phục vụ dịp Tết. Làm nghề này vất vả, vì phải trải qua nhiều khâu. Để có cành hoa giấy với 5 màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, từ tháng 10, người dân đã chuẩn bị tre và phơi. Cành hoa được ra đời đòi hỏi người thợ có sự tỉ mỉ và cẩn thận, vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp với mỗi công đoạn là những yêu cầu khác nhau, từ đục hình hoa đến tạo hình, lấy tre làm cuống…

leftcenterrightdel
 Gần Tết, các nghệ nhân lại tất bật với công việc làm hoa giấy.

“Mỗi ngày, một người thợ giỏi làm được khoảng từ 25 đến 30 bông với giá bán khoảng 3.500 đồng/bông. Sau khi trừ các chi phí thì lời gần 12 triệu đồng/vụ”, ông Nguyễn Hóa (60 tuổi), Trưởng thôn Thanh Tiên và là một trong những người gắn bó lâu nhất với nghề, có hơn 40 năm làm nghề hoa giấy tâm sự. Khi được hỏi làng hoa giấy có bị mai một khi mà có nhiều người bỏ nghề hay không, ông Hóa chia sẻ rằng, trước năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được người dân khắp nơi biết đến. Từ đó, hoa giấy từng bước vực dậy.

Nhìn về phía hoa giấy, ông Hóa nói, theo quan niệm của người dân Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do không dùng phân bón như hoa tươi hoặc dùng nhựa như hoa giả nên rất phù hợp trong việc thờ cúng. Đồng thời, hoa giấy có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông. Ông tin rằng, hoa giấy sẽ không bị mai một.

Gìn giữ nét đẹp cội nguồn bằng hoa sen

Từ năm 2008, có một họa sĩ, nghệ nhân trong làng là ông Thân Văn Huy đã khôi phục lại hoa sen giấy đã bị thất truyền hơn 60 năm qua nên thu hút được nhiều khách hàng hơn.

leftcenterrightdel
 Hoa giấy Thanh Tiên là một trong những mặt hàng bán rất chạy trong dịp Tết cổ truyền.

Nói về ý tưởng làm hoa sen giấy, nghệ nhân Huy chia sẻ, gia đình ông đã gắn bó với nghề truyền thống đã nhiều thế hệ. Nhận thấy nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, ông thấy mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nên ông đã tìm cách phục hồi. Ông làm hoa giấy để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của ông cha, hình ảnh hoa sen xuất hiện trong giấc mơ của ông, có một hình ảnh lúc rõ lúc nhạt, lúc ẩn lúc hiện trong tâm thức của ông, có cái gì đó rất huyền diệu.

Để làm ra được hoa sen, nghệ nhân này đã kế thừa kĩ thuật xếp gấp cánh hoa truyền thống của làng, đồng thời sáng tạo kĩ thuật mới bằng năng khiếu tạo hình của người họa sĩ cùng kinh nghiệm kiếm sống bằng nghề in lụa, thiết kế mộc mỹ nghệ... Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kĩ thuật chế tác hoa sen giấy từ khâu vót tre tạo cành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, nhuộm màu hoa cho đến khi bông sen nở lung linh, ông Thân Văn Huy bắt tay truyền nghề cho người dân. Do hoa này khó làm hơn nên có ít người biết. Một người thợ lành nghề làm ra khoảng 15 - 20 bông mỗi ngày. Hoa giấy có tính thời vụ (dịp Tết), còn hoa sen giấy được làm quanh năm, nhiều nhất là dịp Tết.

leftcenterrightdel
 Hoa sen giấy đã được các nghệ nhân khôi phục sau hơn 60 năm thất truyền.

Làng hoa giấy Thanh Tiên đã có cách đây trên 300 năm, nó gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân và trở thành giá trị tinh thần quan trọng, một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người Huế.

“Vào ngày Tết, nếu người Huế không có hoa giấy cắm lên Trang Ông, Trang Bà và ban thờ ông Táo, am thờ… thì cái Tết như thiếu gì đó hoặc nếu không có hình ảnh người dân làng Thanh Tiên với những bó hoa đi qua những chuyến đò lan tỏa ra các chợ, phố để bán cho người dân thì rất buồn, làm mất đi ý nghĩa của ngày Tết của người Huế nói riêng và người Việt nói chung. Hình ảnh những bó hoa tô điểm, báo hiệu mùa Xuân của Huế sắp đến, đó là hình ảnh rất quan trọng, gắn sâu trong tiềm thức của người Huế”, ông Huy nói.

Năm 2010, ông Huy mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 25 em học viên và hiện nay đang có 10 em có công việc thường xuyên. Còn trong gia đình, ngay người con trai của ông Huy là anh Thân Minh Nhật (33 tuổi, làm công nghệ thông tin nhưng vẫn gắn bó với nghề của ông cha) và con dâu của ông giúp cho ông rất nhiều trong việc hỗ trợ tạo ra nhiều mẫu mới, để kế tục cho ông sau này.

leftcenterrightdel
 Du khách quốc tế mê mẩn khi được nghệ nhân Thân Văn Huy chỉ dẫn quá trình tạo tác hoa sen giấy.

Các thế hệ ở làng hoa giấy Thanh Tiên ý thức rất rõ trong việc tiếp nối nghề làm hoa giấy của tổ tiên. Hằng ngày, có nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên để xem người dân làm hoa giấy. Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm làm ra hoa giấy, mua hoa giấy mang về nước.

Trước khi đến, du khách thường báo cho chủ nhà biết để chủ nhà chuẩn bị, bởi vì “mình phải chuẩn bị chu đáo vì người ta từ vùng đất xa xôi, có những nơi đi nửa vòng Trái đất. Họ tìm đến mình để tham quan, trải nghiệm do vậy mình có cách ứng xử tương ứng để khách hài lòng, để những giá trị văn hóa của Việt Nam được lan tỏa, nhất là hoa sen, loài hoa được bầu chọn là Quốc hoa”, ông Huy tâm sự.

Giờ đây, bên trong những ngôi nhà ở làng Thanh Tiên, những người thợ làm hoa giấy chăm chỉ làm từng thao tác với hoa giấy trở thành một nét đẹp, nét văn hóa mang đậm chất làng quê Việt khi xuân về.

Đắc Đức - Xuân Nha