Hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả đã gửi về Đất Việt để bày tỏ quan điểm của mình sau loạt bài về thu phí vào phố cổ Hội An.


Vậy nên, theo bạn Văn Nguyễn: "Nếu thành phố có ý định áp đặt chuyện mua vé để vào khu phố cổ thì nên bán các loại vé 1 ngày, 3 ngày, hoặc 1 tuần tham quan (tùy theo nhu cầu ở lại của khách) để khách nghiên cứu, xem xét mua vé. Như vậy, ví dụ khách có nhu cầu ở lại 3 ngày ở Hội An, khách sẽ mua loại vé 3 ngày và trong thời gian này họ sẽ được ra vào thoải mái vui chơi, ăn uống, tham quan di tích".

Bởi vì, khi vào một điểm tham quan nào đó như đền chùa hay khu vui chơi giải trí thu phí thì chả có gì để phản ứng. Nhưng bách bộ đi ngắm phố cổ mà thu tiền nghe cũng lạ. Đến thăm bạn bè người thân trong khu phố cổ mà nộp phí nghe buồn cười.

Đâu phải, trùng tu phố cổ chỉ có cách đè cổ bất cứ ai vào phố cổ là thu. Di sản là của nhân loại, đâu chỉ riêng Hội An.

Nên học Campuchia cách làm du lịch

Bạn độc giả có tên Trịnh Đức chia sẻ: :Hài hước thật, ở nhiều quốc gia họ không thu vé, thậm chí còn khuyến khích người dân tới tham quan các di tích lịch sử, văn hóa để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình để người dân nước họ tự hào về những di sản cha ông họ để lại. Họ có những nguồn thu từ các dịch vụ khác, các nguồn vốn xã hội để trùng tu di sản.

Chỉ có ở nước ta quản lý yếu kém mới dẫn tới tiết mục tối ngày tăng vé mà chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân trong nước không mặn mà tới các điểm tham quan này, họ không muốn mua bực mình vào người".

Hơn nữa, theo bạn Trà Đá thì hiện tại, ngành văn hóa và các lãnh đạo của Quảng Nam nên đi sang Campuchia học cách quản bá du lịch và làm du lịch của đất nước họ, chưa nói đến một số nước chung quanh ta, xem họ quản lý vé tham quan cực kỳ khoa học,cực kỳ chặt chẽ không làm khách du lịch phải phiền hà điều gì cả.

Vì phải xác định rõ, du khách cần gì, bạn Tuan Cali băn khoăn: "Tôi nghĩ người nước ngoài không tiếc gì một vài "Đô" để mua vé tham quan phố cổ nhưng quan trong mình biết giải thích cho có tình có lý thì họ sẽ vui vẻ mua vé. Cần in bảng thông báo nơi bán vé và trên tấm vé".

Doanh thu lớn dùng làm gì?

Một độc giả còn tiết lộ cả doanh thu Hội An, năm nào cũng cao hơn năm trước 50% trở lên. Nhưng vấn đề là bộ máy hành chính quá cồng kềnh. Được biết, toàn bộ công chức Hội An đi làm bằng xe đạp sẽ thấy sơ sơ hơn 1600 công chức, lãnh đạo. Chưa kể đội ngũ nhận viên an ninh và công an đi kèm. Mấy người nước ngoài sống lâu năm ở Hội An cười trừ, chỉ là cái phố bé xíu mà đến cả hơn 2000 công chức thì bao nhiêu thuế cho đủ để nuôi.

"Khi đến Hội An tôi thấy cứ 5m là có 1 chú đồng phục cầm ba tong và di động chơi điện tử, hoặc đứng gác trong khi chả cần thiết phải nhiều như thế. Tôi đi du lịch mà thấy họ xếp ghế ra ngồi đầy đường. Thấy ai khả nghi cũng chặn lại hỏi vé, đòi tiền và nếu ko có thì đòi bắt giam và đuổi ra khỏi phố cổ. Chỉ cần giảm biên chế 90% số công chức đó là mọi việc ổn thôi. Còn phí tham quan thì di tích nào bán di tích đó, ai vào thì mua. Giờ chỗ nào cũng chặn chốt thu tiền mãi lộ. Lý do bảo tồn là ngụy biện", bạn Hao lý giải.

Đáng buồn là không đâu trên thế giới làm du lịch như VN, các nước họ sử dụng nguồn thu từ việc kinh doanh các dịch vụ gia tăng như thuế thu được của các nhà cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, bán hàng lưu niệm... để sử dụng vào việc bảo tồn và phát triển du lịch.

Bạn Trần Duy cho hay: "Làm như vậy vừa không làm gia tăng giá dịch vụ áp dụng lên mỗi một khách du lịch, tạo hấp dẫn đối với khách du lịch đến nghỉ ngơi, thăm quan mà vẫn có được nguồn thu lớn. Trong khi đí Việt Nam thì không những không đầu tư vào các dịch vụ gia tăng để khách du lịch đến Việt Nam có cơ hội để chi tiêu mà lại tăng thu phí trực tiếp lên đầu mỗi người khách du lịch để có được tiền ngay.

Làm như vậy thì chỉ tạo ra sự phản cám chứ làm sao thu hút được khách du lịch đến VN thăm quan. Đây đúng là kiểu kinh doanh kiểu "ăn xổi ở thì", không đâu vào đâu".
 

Theo Báo Đất Việt

.