Tại sao trí thức đạo văn liên miên?
Cập nhật lúc 12:03, Thứ tư, 22/10/2014 (GMT+7)
Nhiều nội dung được đưa ra tại buổi tọa đàm về văn hóa trích dẫn trong nghiên cứu và học tập tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ngày 21/10.
Trích dẫn và đạo văn: Ranh giới mong manh
"Đạo văn thực ra là ăn cắp”, TS Lê Thị Nam Giang, Phó trưởng Khoa Luật quốc tế (Trường ĐH Luật TP.HCM) thẳng thắn.
TS Giang định nghĩa "đạo văn" là các hành động chiếm đoạt tác phẩm của người khác, trình bày như tác phẩm của mình. Có thể kể ra các hành vi: Trích dẫn các đoạn văn, thông tin, hình ảnh từ tác phẩm của người khác, đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc được trích dẫn; Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành phần lớn tác phẩm của mình dù có thực hiện đúng quy định nguồn gốctrích dẫn nguồn; Diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được sử dụng...
|
TS Lê Thị Nam Giang |
Theo giải thích của vị Tổng Thư kí Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM này, tình trạng đạo văn xảy ra liên miên là do luật chưa rõ ràng.
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam được ban hành từ năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hình luật SHTT đề cập đến vấn đề trích dẫn, nhưng không định nghĩa thế nào là trích dẫn.
Ngoài ra, quy định của Bộ GD-ĐT về việc trích dẫn khi khi làm đề tài nghiên cứu cũng không cụ thể như: “Bộ GD- ĐT quy định khi trích dẫn nguyên văn bài của người khác hai câu trở lại hoặc ít hơn 5 dòng thì phải đặt trong dấu ngoặc kép và ghi nguồn rõ ràng; Nếu trích dẫn nhiều hơn thì phần trích dẫn phải lùi vào hai dòng nhưng lại không quy định việc trích dẫn tối đa là bao nhiêu dòng, bao nhiêu câu.
Bên cạnh đó, việc Bộ quy định không được trích dẫn kiến thức phổ thông, mọi người đều biết nhưng không có giải thích thế nào là kiến thức phổ thông, kiến thức mọi người đã biết...dẫn đến tính trạng tình trạng các giảng viên và nghiên cứu chưa hiểu rõ về trích dẫn. Đây cũng là ranh giới mong manh giữa trích dẫn và đạo văn “- TS Giang nói.
Theo TS Giang, chính ranh giới mong manh này dẫn đến xảy ra những vụ ồn ào ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hay việc TS ở ĐH Kinh tế quốc dân bị Bộ GD- ĐT thu hồi bằng tiến sĩ do sao chép luận án của đồng nghiệp ở Học viên Ngân hàng.
Cần có quy định với hội đồng chấm
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược,chính sách quốc gia (Trường ĐH Khoc học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đặt vấn đề: Có những nội dung đạo văn không phải là kĩ thuật trích dẫn mà đạo đức nghề nghiệp không có tự trọng.
“Điều này không chỉ là đạo văn, đạo ý tưởng mà là đạo trí, biến trí thức của người khác “nhét” vào làm của mình. Vì vậy, cần nâng cao giáo dục đạo đức của con người và có một pháp luật chặt chẽ” – TS Nguyên đề xuất.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần có quy định về vi phạm liên đới đối với hội đồng chấm.
“Tại sao những tác phẩm được hội đồng chấm là những giáo sư hàng đầu thông qua, nhưng khi lật lại trước pháp luật, chỉ có người viết chịu trách nhiệm? Vậy những giáo sư thuộc hội đồng chấm này đã làm gì khi đọc qua rất nhiều lần, họ có làm đúng trách nhiệm của mình không khi không phát hiện ngay từ đầu?” – một đại biểu thắc mắc.
Theo ý kiến của đại biểu này, muốn chấm dứt tình trạng đạo văn cần phải làm ngay từ đầu, ở cả người nghiên cứu và hội đồng chấm.
TS Lê Thị Nam Giang đề xuất ngăn chặn tình trạng đạo văn bằng cách: Các trường cần ban hành quy định hướng dẫn cách thức trích dẫn nguồn tài liệu, quy định chống đạo văn; tập huấn cho người học ở các hệ đào tạo từ sau ĐH đến cử nhân; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật sở hữu trí tuệ cho giảng viên,v.v..
Bà Ngô Thị Phương Lan, hiệu phó Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, hiện chưa có luật định thế nào là đạo văn nên nhà trường phải có những quy định riêng về việc trích dẫn để các nghiên cứu sinh, giảng viên tìm hiểu, áp dụng.
Theo Vietnamnet
.