Cuối năm, nhiều người rút chân hương, đổ tro hương, trong khi việc này được tin là nguyên nhân gây tán tài, mất lộc.
 
Dịp Tết năm trước, bà Lê Thị Định (Gia Lâm, Hà Nội) bảo cô con dâu mới ở nhà cùng mẹ dọn bàn thờ cuối năm. Chuyện tâm linh nên nhiều việc vặt, tỉ mỉ, không đơn giản, con dâu mới cần học theo nếp nhà. Sau khi khấn vái xin phép, bà Định cẩn thận bê bát hương bảo con đặt xuống bàn để rút chân hương, thay tro mới.
 
Cô con dâu nhanh nhảu làm, nhưng quay đi quay lại bà thấy cả đống chân bị vứt vào túi ni lông, tro trong bát hương thì đổ thành 3 cụm, nhưng hỏi tro này ở bát nào thì cô con dâu không nhớ.
 
Bực mình cô con dâu nhanh nhẩu đoảng, bà bắt con ra chợ mua ngay 3 túi tro nếp mới về thay. Rồi lật đật gọi điện mời sư thầy về bốc lại bát hương.
 
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Cũng may chị là phật tử tục gia của chùa nên sư thầy nhanh chóng xuống “chữa cháy”. Nghe chuyện chị Định kể, sư thầy nhẹ nhàng gọi con dâu lại chỉ dạy. Theo sư thầy, rất nhiều người làm sai khi dọn bàn thờ cuối năm đã đổ cả bát hương đầy chân hương ra ngoài. Như thế các cụ cho là bị tán tài, mất lộc. Sư thầy hướng phải dùng chiếc thìa sạch, xúc tro ra, rửa sạch bát hương bằng nước ấm, nước thơm rồi đặt sang một bên, chờ khô.
 
Khi đưa bát hương xuống lau, cần chú ý giữ lại 3 – 5 – 7 – 9 chân hương của mỗi bát hương và để riêng kẻo lẫn.
 
Còn tro hương nếu nhà không có vấn đề gì thì không nên đổ tro cũ đi, và không nhất thiết phải thay mới. Dùng thìa xúc hết tro ra cải rỗ mắt nhỏ (hoặc cái rây bột) để lọc tro mịn. Việc lọc tro cũng bắt đầu từ bát hương thờ thần phật trước, gia tiên và các ban khác sau.
 
Bát hương thờ thần, phật khô thì dùng 7 tờ tiền vàng, bát hương gia tiên dùng 3 tờ tiền vàng đốt hơ vòng trong lòng bát hương, cháy gần hết thì thả hẳn vào bát hương cho cháy hết, rồi đổ tro đã lọc vào một lần (với ý là “lộc ra nhỏ giọt, lộc vào như thác đổ”).
 
Không nên làm ngược lại là lúc đầu đổ tro ra hết, sau đó múc từng ít một vào vì như thế là “lộc ra thì nhiều, lộc vào thì ít”. Xong xuôi đặt bát hương và đồ thờ lại.
 
Một số gia đình sợ bỏ chân hương là mất lộc, nên cứ để chân hương tầng tầng lớp lớp, năm này qua năm khác với quan niệm càng đầy thì càng linh và “có lộc”. Nhưng đó là sự mê tín và có ý khoe công chăm thắp hương thờ cúng. Bát hương quá đầy, chân hương cao sẽ “che mắt” thần linh, gia tiên, còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, hoặc vô tình làm đổ bát hương sẽ tai hại cho gia chủ.
 
Cách tỉa chân hương đúng là tỉa tỉ mỉ từng que. Nếu bát hương đầy có thể tỉa gọn chân hương vào cuối tháng, ngày giỗ. Còn dịp Tết cần tỉa sạch, chỉ để lại 3-5-7-9 chân hương mỗi bát hương.
 
Các nhà tâm linh đều khuyên, cần tỉa chân hương thường xuyên, kẻo nhiều chân hương sẽ làm bàn thờ nhanh bị bụi bẩn.
 
Sau khi bao sái bàn thờ xong, cần sám hối và hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu. Khi tỉa chân hương và lau dọn bàn thờ xong cần thắp hương, cẩn báo mời quan thần linh và gia tiên trở về.
 
Nhiều người lau dọn bàn thờ, thay bát hương mới thường đem tro, chân hương, bát hương, thậm chí cả bàn thờ cũ vứt lung tung.
 
Các nhà tâm linh đều khuyên, để tránh chuyện không may người dân tuyệt đối không vứt chân hương, hoặc các đồ thờ cúng cũ vào thùng rác, nơi uế tạp vì như thế sẽ bị “phạm”, còn làm ô nhiễm môi trường.
 
Bát hương, nhất là bàn thờ vong không dùng cần đốt, hoặc cho vào túi thả xuống sông suối.
 
Theo Ngọc Hà/Gia Đình
 
.