Theo Ban tổ chức cho biết, Giải Báo chí-Truyền thông thắp sáng (Fire Up) 2020 là Giải báo chí - truyền thông thường niên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với sự tham gia đồng tổ chức của các đơn vị: Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Thành phố Hà Nội, Báo Quân đội Nhân dân, Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Đoàn thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Trưởng Ban tổ chức Giải Báo chí - Truyền thông thắp sáng (Fire Up) 2020 khẳng định: Giải Báo chí - Truyền thông thắp sáng (Fire Up) 2020 là một sân chơi lành mạnh, khuyến khích phát triển sự sáng tạo của học sinh, sinh viên toàn quốc - những người có đam mê với Báo chí - Truyền thông. 

leftcenterrightdel
 PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Trưởng Ban tổ chức Giải Báo chí - Truyền thông thắp sáng (Fire Up) 2020 phát biểu tại buổi Lễ.

Ban tổ chức mong đợi có thể lựa chọn trao giải cho những những tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí truyền thông xuất sắc, thể hiện năng lực sáng tạo, phẩm chất nghề nghiệp, đúng nghĩa là sản phẩm văn hóa chứa đựng những  giá trị chân - thiện - mỹ, thông qua đó góp phần động viên, cổ vũ, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí - truyền thông trong xã hội. 

“Năm 2020 là mùa Giải Thắp sáng (Fire Up) đầu tiên. Ban Tổ chức rất mong sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh, sinh viên, sự ủng hộ của giới báo chí - truyền thông cũng như của toàn xã hội nhằm ươm mầm phát triển nguồn nhân lực trẻ của nền báo chí - truyền thông Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời đại số” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của Giải, ông Lê Nghiêm - Nhà báo, Chuyên gia truyền thông, Ủy viên thường vụ Hội Truyền thông Kỹ thuật số, đơn vị đồng tổ chức nhấn mạnh: “Giải thưởng này là cơ hội tốt, rất thiết thực để sinh viên báo chí học nghề, rèn luyện thử thách và sớm trưởng thành trong hoạt động báo chí. Hội Truyền thông số và Câu lạc bộ Cafe số chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ việc tổ chức giải thưởng này, sẵn sàng tham gia, tổ chức các hoạt động giúp sinh viên tìm hiểu, tiếp cận với nghề báo, với thực tiễn báo chí Việt Nam.”

Đối tượng tham gia dự Giải là tất cả học sinh, sinh viên (không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài) đang học tập tại Việt Nam, là cá nhân hoặc nhóm không quá 10 người; không vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ban tổ chức Giải tại Lễ phát động.

Cũng theo Ban tổ chức, 3 hạng mục giải, bao gồm: Tác phẩm, sản phẩm báo chí đa nền tảng; Sản phẩm truyền thông; Dự án báo chí truyền thông. Những sản phẩm này đã được đăng, phát trên các loại hình báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng trên internet. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi dự thi 1 tác phẩm hoặc 1 sản phẩm hoặc 1 dự án báo chí - truyền thông và ghi rõ dự thi hạng mục nào trong số 3 hạng mục nêu trên. 

Thời gian đăng tải, phát sóng tác phẩm, sản phẩm được tính từ ngày 1/8/2020 đến 30/7/2021. Ban Tổ chức không nhận các tác phẩm, sản phẩm, dự án đã dự giải ở một cuộc thi khác.

Cơ cấu giải thưởng bao gồm 15 giải, gồm các hạng mục: 1 giải đặc biệt, 1 Giải Báo chí - Truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 3 giải A, 3 giải B, 3 giải C và 4 giải ấn tượng. Giải thưởng cao nhất có giá trị 20.000.000 đồng.

Hồ sơ dự thi và tác phẩm, sản phẩm dự thi được lưu trữ dưới dạng file trong USB, gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Chi hội Nhà báo Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Tầng 5, Nhà A1, 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội). 

Theo Điều lệ Giải, thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm, sản phẩm là ngày 30/7/2021 (theo dấu bưu điện). Ban Tổ chức Giải không chịu trách nhiệm trong trường hợp có lỗi kỹ thuật với các file hồ sơ dự thi và tác phẩm, sản phẩm dự thi.

P.V