Đối với họ, đó là những ký ức không thể nào quên của những ngày đầu bước chân vào ngành Kiểm sát; đó là sự trăn trở qua mỗi vụ án được làm sáng tỏ; là những cảm nhận về con người - những đồng chí, đồng nghiệp hay là những suy tư, trăn trở về sự phát triển của Ngành trong tương lai. Những chặng đường đã qua, khi ngoái nhìn lại, bên trong họ vẫn luôn có một niềm vinh dự, tự hào vì mình đã từng công tác trong Ngành, từng là người cán bộ Kiểm sát vì nhân dân, vì đất nước hy sinh, cống hiến cả một thời tuổi trẻ.

leftcenterrightdel
Cụ Nguyễn Huy Thuân trò chuyện, chia sẻ cùng đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật Vũ Mạnh Hà. 

Bậc lão thành trong ngành Kiểm sát mà phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật liên hệ đầu tiên đó là cụ Nguyễn Huy Thuân. Cụ Thuân là cán bộ tiền khởi nghĩa. Cụ sinh năm 1928, nguyên là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kiểm sát (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, giai đoạn 1984-1987), nguyên Chánh Văn phòng VKSND tối cao (giai đoạn 1987-1990).

Chia sẻ với Phóng viên, cụ Thuân cho biết, hơn 47 năm công tác trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có hơn 35 năm trong ngành Kiểm sát nhân dân, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, cụ đã 5 lần “cứu” được 5 bản án tử hình có dấu hiệu oan, sai, giữ lại mạng sống cho nhiều người vô tội. Với thành tích đó, cụ được công nhận là Chiến sĩ thi đua và thưởng Huy hiệu Bác Hồ, cấp giấy đeo Huy hiệu Bác Hồ. Cụ Thuân cũng kể lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là vào tháng 5/1984, cụ là một trong 3 thành viên của Đoàn đại biểu ngành Kiểm sát Việt Nam đi dự Hội nghị Quốc tế các Viện trưởng Viện kiểm sát các nước XHCN ở Matxcơva. Hội nghị có tặng cho các đại biểu Huy hiệu Lênin. Đây là niềm vinh dự lớn để luôn nhắc nhở cụ phải không ngừng học tập, rèn luyện và làm tốt công việc của mình để xứng đáng là một Đảng viên chân chính, một cán bộ ngành Kiểm sát luôn cố gắng hết mình vì đất nước, vì nhân dân.

Nói về về sự ra đời và phát triển của Ngành, cụ Thuân nhớ lại, ngay khi thành lập VKSND, Đảng và Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu nên đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt, bậc tiền bối cách mạng, người dày dạn kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo quần chúng của Đảng sang làm người đứng đầu ngành Kiểm sát từ năm 1960 đến năm 1976. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là người Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân và trong 16 năm liền trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt nền móng xây dựng hệ thống VKSND trong bộ máy Nhà nước ta. Năm 1976, sau khi đồng chí Hoàng Quốc Việt thôi giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tối cao thì Đảng và Nhà nước tiếp tục cử đồng chí Trần Hữu Dực nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ làm người đứng đầu ngành Kiểm sát, điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng trong công tác cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời cũng là sự thể hiện tầm quan trọng của VKSND trong bộ máy Nhà nước ta. Từ đó đến nay, kế tục các bậc tiền bối, lãnh đạo ngành Kiểm sát tiếp tục phát huy trí lực, bản lĩnh, trách nhiệm để góp phần giúp Ngành ngày càng phát triển trong sạch, vững mạnh hơn.

Cũng theo lời cụ Thuân, kể từ ngày thành lập Ngành 26/7/1960 đến nay, các bản Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013 đều kế thừa và phát triển các quy định về VKSND. Ngày 28/7/2010, trong Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện các chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định tại khoản 1 Điều 107: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Với chức năng được giao, trải qua các giai đoạn lịch sử, VKSND đã thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu trong bộ máy Nhà nước, đóng góp vào công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Đặc biệt, thời gian gần đây, VKSND tối cao đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKSND tối cao đã quan tâm thực hiện các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các đại án về tham nhũng, kinh tế như: Vụ án tại Vinalines; vụ án tại Ngân hàng Đại Tín; vụ án tại Ngân hàng Đông Á; Vụ án tại Ngân hàng VNCB; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm; vụ án Trần Bắc Hà và đồng phạm; vụ án tại Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án tại AVG, Mobifone...

Là cán bộ lão thành và luôn quan tâm đến Ngành, cụ Nguyễn Huy Thuân mong rằng, thời gian tới đội ngũ cán bộ, công chức trong Ngành cần tiếp tục nhận thức được tầm quan trọng, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  của VKSND trong bộ máy Nhà nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị trong Ngành. Theo cụ, người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, VKSND phải thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, công chức trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có trách nhiệm, bản lĩnh và lương tâm nghề nghiệp. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, trước tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, Ngành cũng cần tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để từng bước nâng cao vai trò, vị thế của VKSND Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua trò chuyện với cụ, tôi có cảm nhận rằng, dù ở tuổi 93 - tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Thuân vẫn rất rất minh mẫn, giọng nói vẫn sang sảng, hàng ngày cụ vẫn đọc báo. Và cụ còn bảo rằng, mình rất thích đọc Báo Bảo vệ pháp luật để theo dõi tin tức về Ngành, về đời sống xã hội. Lúc nào mà chưa nhận được báo hay báo đến muộn là cụ “kiện” ngay (cười).

leftcenterrightdel
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Thị Tuyết tại buổi giao lưu tôn vinh nữ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Là nữ Phó Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao, bác Nguyễn Thị Tuyết - nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban liên lạc cán bộ hưu trí cơ quan VKSND tối cao tại Hà Nội năm nay đã gần 80 tuổi. Bác cho biết, trước khi về công tác tại VKSND tối cao và giữ cương vị là Phó Viện trưởng (từ năm 1992 đến năm 2001), phụ trách lĩnh vực dân sự, kiểm sát chung, bác cũng có thời gian công tác tại VKSND tỉnh Hà Sơn Bình, sau đó là Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tây (cũ). Trong quãng thời gian gắn bó với ngành Kiểm sát, trực tiếp giải quyết nhiều vụ án kinh tế, nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều cán bộ có chức quyền… Bác càng hiểu hơn công việc, trách nhiệm lớn lao mà người cán bộ Kiểm sát, ngành Kiểm sát được giao phó.

Chia sẻ với Phóng viên về sự ra đời và phát triển của Ngành, bác Tuyết cho biết, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức VKSND, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát trong bộ máy Nhà nước. Kể từ khi thành lập đến nay, có thể nói lịch sử của ngành Kiểm sát nhân dân luôn gắn bó chặt chẽ với lịch sử của đất nước, dân tộc. Dù chức năng của Ngành có sự thay đổi, bổ sung qua từng thời kỳ cách mạng nhưng có thể khẳng định VKSND là một thiết chế Hiến định trong bộ máy Nhà nước. VKSND có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Cũng theo nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Thị Tuyết, trải qua 61 năm xây dựng, phát triển, ngành Kiểm sát đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân giao phó, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tự hào. Điều này được thể hiện rõ nét nhất tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập VKSND (26/7/1960 - 26/7/2020), Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ ba) cho Ngành nhằm ghi nhận những đóng góp xuất sắc của VKSND đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều đáng mừng, theo bác Tuyết là những năm gần đây, ngành Kiểm sát luôn quan tâm, coi trọng đến công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành ngày càng có trình độ cao, nghiệp vụ vững vàng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trách nhiệm, tận tuỵ trong công việc; Ngành đã thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời mọi mặt của đời sống xã hội.

Đáng chú ý, qua theo dõi hoạt động của Ngành, bác Tuyết cho rằng, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều đổi mới, đột phá, sáng tạo, ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín, tạo được niềm tin lớn trong nhân dân. Ngành đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định phương châm hoạt động giai đoạn mới là “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”. Ngành xác định và chọn công tác cán bộ là khâu đột phá. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời yêu cầu người đứng đầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”, cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Ngành cũng đã tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét thông qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ đặc biệt lớn với hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng bị khởi tố từng giữ những chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.

Đặc biệt, thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã tích cực, chủ động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương; đồng thời Viện trưởng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh và ban hành Chỉ thị trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để răn đe, phòng ngừa một cách kịp thời, nghiêm minh.

“Ngành Kiểm sát đã bước sang tuổi 61, là người từng công tác trong Ngành, tôi luôn thấy vinh dự, tự hào và lúc nào cũng dõi theo Ngành, phấn khởi trước những kết quả mà Ngành đạt được trong những chặng đường đã qua” - Bác Tuyết chia sẻ thêm.

leftcenterrightdel
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao tặng sách “Nỗi niềm người lính” cho tập thể lãnh đạo Báo Bảo vệ pháp luật. 

Về phần mình, TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao khi chia sẻ với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã nhớ lại những ký ức về Ngành, đặc biệt là về người Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát với trái tim nhân hậu - đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ông cho biết, sau khi điều trị vết thương từ chiến trường trở về, ông đã tham gia khóa đào tạo, nghiên cứu lý luận và thực tiễn tại VKSND tỉnh Thái Bình, sau đó được điều về VKSND tối cao khoảng giữa năm 1975. Lúc bấy giờ, VKSND tối cao có hai đơn vị làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra: Vụ Kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 2A) và Vụ Kiểm sát điều tra án trị an và an ninh (Vụ 2B). Ông được điều về công tác tại Vụ 2B.

Ông chia sẻ, đến nay cuộc đời vẫn ghi đậm trong tâm khảm ông là các vụ án điển hình mà ông từng được chứng kiến, từng góp phần nhỏ bé của mình vào việc giải quyết các vụ án đó. Một trong những dấu ấn mà ông không bao giờ quên về người Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt đó là đồng chí Viện trưởng không những là người có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm mà còn là người luôn hướng đến những công dân lương thiện bị vướng vào vòng lao lý với trái tim nhân hậu.

Trao đổi với Phóng viên về vụ án của ông Nguyễn Thế Bưu, là giáo viên Trường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, (bị cáo trong vụ án 15 ngõ Yên Thế), nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu cho biết, đây là vụ án để lại trong ông ký ức và kỷ niệm khó quên. Theo ông, điều đặc biệt của vụ án này là, nếu như bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội xác định bà Nguyễn Thị Hợi và ông Trần Trung Phúc là bị hại và tuyên phạt ông Nguyễn Thế Bưu và anh Nguyễn Văn Khánh mỗi người 30 tháng tù về hai tội Cố ý hủy hoại tài sản riêng của công dân và tội Cố ý gây thương tích và liên đới bồi thường cho bà Hợi số tiền 4.857,25 đồng thì bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm đã xác định rất rõ ràng ông Nguyễn Thế Bưu và anh Nguyễn Văn Khánh là bị hại của vụ án.

Kết quả, Tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Hợi 2 năm tù về hai tội Lừa đảo để chiếm đoạt quyền sử dụng nhà ở của công dân và tội Vu cáo người khác phạm tội; Trần Trung Phúc 1 năm 6 tháng tù về hai tội Vu cáo và tội Lừa đảo. Ngoài ra, bản án còn tuyên phạt các đối tượng khác có liên quan. Về thiệt hại tài sản của Nguyễn Thị Hợi và Trần Trung Phúc do phía ông Bưu gây ra thì bản án cho rằng thiệt hại ấy không đáng kể so với những thiệt hại mà Hợi và Phúc đã gây cho gia đình ông Bưu. Mặt khác, Nguyễn Thị Hợi và Trần Trung Phúc đã có lỗi trong việc chiếm nhà trái phép của gia đình ông Bưu làm cho họ uất ức nên mới xảy ra sự việc ngày 7/3/1972. Vì vậy, Tòa án cũng không đặt vấn đề bồi thường do  Hợi và Phúc yêu cầu.

Sau phiên tòa ít hôm, trong cuộc họp rút kinh nghiệm với CQĐT, Vụ 2B và Viện phúc thẩm về vụ án này, đồng chí Hoàng Quốc Việt biểu dương: Vụ án đã được Tòa án tuyên với tinh thần, tâm phục, khẩu phục, được dư luận đồng tình ủng hộ. Lãnh đạo Viện biểu dương các cơ quan thuộc VKSND tối cao đã làm hết trách nhiệm của mình, đi đến tận cùng của sự thật. Đồng chí Hoàng Quốc Việt còn nhấn mạnh, là cán bộ Kiểm sát, phải sâu sát, cẩn trọng, vừa đấu tranh với các loại tội phạm, vừa bảo vệ quyền dân chủ của công dân.

“Gần 40 năm đã qua, vậy mà những chi tiết của vụ án vẫn còn in dấu đậm nét trong tâm trí tôi. Từ vụ kỳ án đó, tôi càng thấm thía hơn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với cán bộ ngành Kiểm sát, là phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây cũng là vụ án thể hiện sự chỉ đạo kiên quyết, thận trọng của tập thể lãnh đạo VKSND tối cao, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt. Ông là Viện trưởng có  trái tim nhân hậu với người dân, nhất là những người bị oan. Thiết nghĩ đây cũng là bài học về bản lĩnh vững vàng đi đến tận cùng của sự thật, bảo vệ quyền dân chủ của công dân” - nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu bộc bạch.

Cũng theo nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu, dưới sự lãnh đạo của Đảng 61 năm qua, VKSND đã luôn đồng hành cùng đất nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.

Đáng chú ý, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2015) nhằm biểu dương ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành Kiểm sát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi tặng lẵng hoa chúc mừng ngành Kiểm sát, với dòng chữ “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân”. “Tôi cho rằng, những đánh giá, ghi nhận trên của đồng chí Tổng Bí thư vừa là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với Ngành, đồng thời cũng là sự chỉ đạo sâu sắc để ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho Ngành chúng ta” - nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu chia sẻ.

Đắc Thái