Nhà văn, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, hôm qua ông là người lính trận của Sư 10, Quân đoàn 3 chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên ác liệt; còn hôm nay ông là Người lính chiến đấu trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực, đem lại công bằng cho xã hội trên cương vị là Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Nhiệm vụ của người lính trên hai mặt trận: “đấu tranh chống ngoại xâm và đấu tranh chống nội xâm”, ông đều hoàn thành xuất sắc và bây giờ ông vẫn tiếp tục là người lính không ngưng nghỉ, đóng góp cho đời bằng những trang viết thấm đẫm chất nhân văn.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Dương Thanh Biểu hôm nay.

Viết về chiến tranh với những trận đánh khốc liệt, đầy hy sinh gian khổ mà ông từng tham chiến; viết về hành trình đánh án với những cuộc đấu tranh không kém phần cam go, phức tạp giữa cái tốt và cái xấu; giữa ánh sáng và bóng tối; giữa giả dối và sự thật; giữa cái ác và cái thiện; giữa cao thượng và thấp hèn… mà ông cũng là người trong cuộc.

Trong tập truyện ngắn “Mãi là người lính”, nhà văn Dương Thanh Biểu không chỉ tái hiện từng trận đánh ác liệt, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bi hùng của dân tộc mà còn tái hiện cả những cuộc đánh án của thời hậu chiến mà những người lính thời bình vẫn còn phải tiếp tục đối đầu với những nỗi đau mà chất độc da cam gây ra.

leftcenterrightdel
 

Trong chiến tranh tàn khốc, đói rét, bệnh tật, đặc biệt là cận kề với cái chết nhưng những Người lính không bao giờ bỏ cuộc bởi họ cầm súng chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc - Tổ quốc đối với họ là thiêng liêng, là bất tử. Thế nên, mỗi khi vào trận, Người lính xác định mình có thể hy sinh chứ không thể lùi bước: “… Sau câu nói của anh Thắng thì lập tức hàng loạt đạn pháo tầm xa của địch bắn cấp tập vào trận địa. Tiếp đó, máy bay C130 bắn xối xả vào đồi Tròn và sau cùng là máy bay ném bom cháy làm cho quả đồi Tròn như một chảo lửa. Mình và anh Thắng đang trú trong lô cốt thì một quả đạn pháo nổ sát cạnh lô cốt. Mình bị vết thương gãy tay phải. Còn anh Thắng thì gục xuống thành công sự. Mình cúi xuống đỡ anh Thắng dậy nhưng người anh đã mềm nhũn…” (truyện Đại đội trưởng).

Trong truyện “Tiểu đội trưởng của tôi” cũng là khúc bi tráng của Người lính trên chiến trường mà nhà văn Dương Thanh Biểu đã ghi lại như chính ông cũng có mặt trong trận chiến.  Được giao chốt giữ đồi Yên Ngựa, Tiểu đội trưởng Minh đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy tiểu đội của mình đánh trả lại quân địch có cả máy bay, trọng pháo yểm trợ với bọn lính bộ binh, lính dù đông đúc; một cuộc chiến không hề cân sức cả về người lẫn vũ khí nhưng những Người lính Cụ Hồ vẫn quả cảm từng đợt, từng đợt đẩy lui cuộc tấn công, vây ráp của đám quân địch thiện chiến: “… Từng đàn máy bay trực thăng bắn rốc két xuống trận địa. Cả trận địa của Tiểu đội 1 khói bom đạn bao phủ một màu bàng bạc. Hết máy bay trực thăng đến máy bay phản lực bổ nhào ném bom. Một quả bom nổ gần anh Nguyên. Một lúc sau, anh Minh thông báo Nguyên đã hy sinh”. Trong làn đạn rát rạt của đich, Tiểu đội trưởng Minh luôn sát cánh cùng người lính, anh len lỏi đến từng công sự chỉ huy đánh địch. Anh xả súng, ném lựu đạn vào đội hình giặc và rồi người Tiểu đội trưởng ấy cũng đã anh dũng hy sinh.

leftcenterrightdel
 TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu tặng sách "Nỗi niềm người lính" cho Ban biên tập Báo Bảo vệ pháp luật. 

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ địch, những Người lính không chỉ mưu trí, gan dạ, dũng cảm, không sợ hy sinh mà trong họ còn tràn đầy tình yêu thương đồng đội; họ có thể dành cái chết về mình, nhường sự sống cho nhau, chia nhau từng miếng cơm, ngụm nước, chuyền tay nhau điếu thuốc lá.

Trong truyện: “Đồng đội” nói về những Người lính trẻ lần đầu ra trận, không phải để cầm súng tiêu diệt kẻ địch mà đi vào trận địa để khiêng tử sĩ về hậu cứ; một cuộc chiến cũng không kém cam go, dễ bị đối phương, thám báo phát hiện, họ phải đi trong đêm tối, dưới trời mưa tầm tã, với những con đường trơn trượt, leo dốc, lội suối, mùi tử sĩ bao quanh nhưng những Người lính trẻ vẫn không bỏ rơi đồng đội đã hy sinh: “Hành quân khiêng tử sĩ đi suốt đêm. Khoảng 3 giờ sáng thì cáng tử sĩ đến bờ Nam sông Bến Hải. Rừng ở đây bị chất độc da cam do máy bay địch thả xuống nên cây cối chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu, trơ trọi… Thanh và Nam vừa dựa cáng vào hai cây thì cơn mưa ập đến như trút nước. Những hạt nước mưa thi nhau rơi xuống cáng tử sĩ nghe lộp bộp, rờn rợn…”.

Chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đem lại thống nhất cho Tổ quốc, những Người lính may mắn còn sống trở về quê hương. Người lính nào cũng tưởng từ đây họ sẽ được sống sum vầy, hạnh phúc bên bố mẹ, vợ con. Nhưng không. Có hàng vạn Người lính từ chiến trường trở về quê vẫn phải tiếp tục một cuộc chiến mà sự tàn khốc của nó không kém gì nơi chiến trận. Chất độc màu da cam do quân đội Mỹ rải thảm xuống những khu rừng, con suối ở miền Nam, đã nhiễm vào cơ thể Người lính và để lại di họa khủng khiếp không chỉ cho bản thân người lính mà con, cháu của họ cũng bị bại liệt, mù mắt, cụt tay, ngớ ngẩn …

Huy trong “Di họa của chiến tranh” là Người lính như vậy, hai đứa con của anh với cô gái xinh đẹp ở làng là Ngần bị di chứng chất độc da cam từ bố nên chúng bị bại liệt. Hai vợ chồng nghèo với 2 sào ruộng, cộng với tiền phụ cấp thương binh và chất độc da cam không đủ sống và thuốc thang cho con, thế mà một kẻ đốn mạt ở làng là bạn thân tên Hường đi đánh cá bằng chất nổ bị cụt tay, nhờ Huy xác nhận cùng đơn vị để hưởng chế độ thương binh, anh không xác nhận và bị tên này dùng tiền tố cáo vu oan anh không đi bộ đội nên Huy bị cắt phụ cấp để điều tra. Đồng đội anh biết được đã đấu tranh cho Huy, tố giác tên Hường và cuối cùng Huy đã được minh oan nhưng cũng là lúc anh đã lặng lẽ ra đi vì ung thư gan do chất độc da cam.

Đại dịch COVID- 19 đã gây nên bao thảm họa cho nhân loại, năm 2021, TP. Hồ Chí Minh cũng từng bị COVID càn quét khiến hàng vạn người bị nhiễm bệnh, hàng ngàn người bị tử vong, trong đó, có rất nhiều trẻ em bị mồ côi cả cha mẹ. Hình ảnh những người lính cụ Hồ đi tiếp tế cho nhân dân, mang tro cốt của người chết vì COVID đến tận nhà trao lại cho người thân, một lần nữa nói lên tình người cao cả của Người lính với nhân dân. Trung tá Nguyên trong: “Nỗi đau thời COVID” mặc dù gia đình anh cũng nghèo nhưng thấy cháu Mai mới 6 tuổi bị mồ côi cả cha lẫn mẹ vì COVID- 19, anh đã bàn với vợ nhận cháu Mai về làm con nuôi. Không chỉ những người còn sống mà hẳn nơi suối vàng, bố mẹ cháu Mai cũng thấy ấm lòng khi biết con mình được anh bộ đội Nguyên cưu mang, đùm bọc.

“Mãi là người lính” của nhà văn Dương Thanh Biểu đã phần nào khắc họa chân thực những hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng Tổ quốc, trong lòng Nhân dân.

Hà Nội 5.2022

Nhà văn Vũ Đảm