Di tích suýt bị lãng quên

Hải Vân Quan là công trình lịch sử nằm trên đỉnh đèo Hải Vân vốn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Di tích này bị lãng quên trong nhiều năm vì câu chuyện tranh chấp giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Công trình này thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
 Hải Vân Quan nằm giữa địa phận Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.

Trước năm 2006, khi công trình hầm đường bộ Hải Vân chưa được đưa vào khai thác thì cung đường đèo Hải Vân được nhắc nhiều không chỉ bởi những câu chuyện của cánh tài xế mà còn là câu chuyện của du khách và người dân qua đây. Đó dường như là một điểm đặc biệt mà hầu như ai có cơ hội ngồi xe qua đây cũng đều háo hức và thức cho kỳ được bất kể xe qua đây có khuya đến mấy để được ngắm vẻ đẹp của cung đường này cũng như trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi tài xế bẻ lái ở những cung đường cua khúc khuỷu.

Một chút hồi hộp sợ hãi khi xe qua các khúc cua nguy hiểm, một chút lâng lâng khi xe lên tới độ cao trên 490m mây bao phủ. Và rồi tất cả như vỡ òa trước những cảnh đẹp kì diệu của tạo hóa. Đó là cảm giác mà ít ai quên được khi qua Đèo Hải Vân. Với chiều dài 21 km, và đỉnh cao nhất của đèo cao 496m so với mực nước biển, đường Đèo Hải Vân chạy vắt qua đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển. Từ đỉnh đèo nhìn về phía bắc là biển Lăng cô Thừa Thiên Huế, nhìn về phía nam là TP Đà Nẵng và nhìn rõ bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh sự hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên tạo hóa con đèo còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử của thời vua Trần mở rộng bờ cõi vào phía Nam.

leftcenterrightdel
 Đèo Hải Vân từng là con đèo nổi tiếng trước khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng.

Những dấu ấn này là chứng tích liên quan đến cuộc hôn nhân đã đi vào lịch sử giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Chính cuộc hôn nhân lịch sử này đã làm mở rộng nước ta vượt qua con đèo ngăn cách để khai phá đất đai vào phía Nam. Nhiều dấu vết mà các bậc tiền nhân để lại vẫn ghi dấu trên đỉnh đèo. Đó là những cổng quan và những thành lũy đắp ngang.

Hiện nay, những cửa đèo được xây kiên cố một mặt hướng về phủ thừa thiên một mặt trông xuống Quảng Nam vẫn còn tồn tại. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là dấu tích của vua Lê Thánh Tôn khi đi qua đây dừng chân ngắm cảnh nơi này đã cảm tác trước cảnh hùng vĩ của con đèo mà đề tặng mấy chữ đó.

leftcenterrightdel
 Đỉnh đèo Hải Vân.

Nhưng tiếc thay, từ khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác, những công trình lịch sử trên đỉnh đèo lại dường như bị bỏ quên bởi câu chuyện tranh chấp giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bỗng dưng những công trình này trở nên bi đát hơn lúc nào hết vì “cha chung không ai khóc”. Như một đứa con rơi không được bảo vệ, người dân rồi du khách vô tư xâm hại nó đến tàn tạ.

Công trình hoành tráng của ngày xưa trở nên xấu xí đi. Hai cửa quan, phần chính của công trình đã dần bong tróc, sụt gạch. Các công trình khác như nhà kho, thành lũy hoang phế, chen um cây cỏ. Trong các căn nhà bỏ hoang này hay trong các lô cốt phòng thủ, bẩn vô cùng. Nhiều người sử dụng làm chỗ ăn uống, vứt rác, bôi bẩn, thậm chí… đại tiện trong đó. Du khách phần lớn lên đây ghé đầu vào bên trong các công trình nhìn ngó rồi đi quanh chụp hình ngoại cảnh.

Sự hồi sinh của một di tích mang dấu tích lịch sử

Cuối năm 2016, đau xót trước sự xuống cấp của di tích lịch sử này, hai địa phương Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng đã cùng ngồi lại để cứu lấy Hải Vân Quan. Còn nhớ lúc đó, lãnh đạo Sở VH-TT TP Đà Nẵng đã từng nói rằng nếu một bên không làm được thì hai bên cùng ngồi lại phối hợp làm chung một bộ hồ sơ công nhận di tích quốc gia cho công trình này. Cái bắt tay ấy đã mang lại kết quả ban đầu khi lãnh đạo của Sở VH-TT TP Đà Nẵng và Sở VH-TT-DL Thừa Thiên Huế đã cùng ngồi lại với nhau để làm chung một bộ hồ sơ cùng trình lên Bộ VH-TT-DL đề nghị công nhận cho công trình này là di tích, văn hoá lịch sử cấp quốc gia.

leftcenterrightdel
Hải Vân Quan sẽ bắt đầu được hồi sinh. 

Khi hai địa phương đã có sự đồng thuận thì tin vui đến với Hải Vân Quan ngay sau đó. Tháng 4 năm 2017, di tích lịch sử Hải Vân Quan được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia và là “di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật”. Tại buổi đón nhận Bằng tích lịch sử quốc gia, ngay trên đỉnh Hải Vân sương phủ, lãnh đạo hai địa phương đã cùng nhau nhìn về một hướng và khẳng định sẽ tiến hành khảo cổ, phục dựng, tôn tạo nhằm phát huy tối đa giá trị về lịch sử, du lịch của Hải Vân Quan.

Điều đó đã trở thành hiện thực khi mà những ngày cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng là 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế là 50% trên tổng mức đầu tư. Theo đó, dự án sẽ tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây,...

Đối với hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông. Phục hồi thân tường theo các đoạn nguyên gốc được khảo cổ. Phía trong tính từ mặt tường và các khu vực chân móng được gia cố khối xây vữa truyền thống tăng cường khả năng chịu lực của tường…

leftcenterrightdel
 Một công trình tại Hải vân Quan sẽ được trùng tu, tôn tạo lại.

Dự án cũng phục hồi nhiều hạng mục của nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố, tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía TP Đà Nẵng; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế, sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan; kè phân thủy và chống sạt, chống trượt hướng Đông Bắc di tích; các lô cốt; bia Chiến Thắng Đồn Nhất…

Việc khởi công thực hiện dự án này đã đáp lại lòng mong mỏi của người dân hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng về sự hồi sinh của công trình được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Sự hồi sinh ấy cũng chính từ sự nỗ lực của hai địa phương để cứu lấy một di tích mang trong mình nhiều câu chuyện theo chiều dài lịch sử của đất nước ta.

Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826 trên đỉnh đèo Hải Vân (còn gọi là Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), ở độ cao 490m so với mặt nước biển. Di tích thuộc cả hai địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cách trung tâm TP Huế khoảng 90km về phía nam, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 28 km về phía bắc.

Xuân Nha