Công tác an toàn giao thông, đặc biệt là vấn đề về văn hóa giao thông được các ngành, lực lượng chức năng quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục rộng khắp. Thế nhưng, những ứng xử, hành động phản cảm của người dân khi tham gia giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các tuyến đường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp tuyên truyền về những việc làm cần thiết để thực hiện văn hóa giao thông như: nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; chủ động xóa bỏ thói hư, tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông,... Song song đó, những hình ảnh phản cảm, những tình huống “khó đỡ” khi lưu thông trên đường, khiến không ít người tham gia giao thông phải “dở khóc, dở cười”.
Là phóng viên, tôi thường xuyên đi công tác xuống cơ sở để viết tin, bài. Vào mùa mưa, không ít lần quần áo tôi lem luốc và ướt sũng vì nước bẩn. Nhớ mấy tuần trước, trời mưa to, trên nhiều tuyến đường nước ngập lênh láng, ai cũng chạy chậm sợ nước bẩn văng trúng mình và mọi người. Bỗng từ xa, một thanh niên chạy chiếc Exciter rồ ga “xé đôi” những vũng nước, làm nước văng tung tóe, tôi và những người đi đường gần đó bị ướt sũng từ đầu tới chân. Chưa kịp nhắc nhở gì thì người và xe đã biến mất chỉ còn lại làn khói đen kịt. Văn hóa giao thông không chỉ là phải chấp hành nghiêm những quy định về Luật giao thông mà nó còn là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi chỉ dẫn của người thi hành nhiệm vụ, biết từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên, nhường nhịn cho người già, trẻ em,...
Chia sẻ với chúng tôi với vẻ khó chịu, bất bình, chị Phan Thị Mỹ Huyền ở phường 2, TP.Cao Lãnh nói: “Nhiều lần đi xe máy trên đường, tôi phải giật mình vì xém chút là lãnh đủ bãi nước bọt và những bịt nước uống của những xe chạy phía trước văng vào người. Tại sao họ có thể hành động bất lịch sự như thế. Đó là chưa kể, nếu người phía sau vội tránh và xảy ra tai nạn thì thật đáng trách”. Đôi khi chỉ một hành động vô ý, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến người xung quanh. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những trận đấu khẩu, xô xát nhau trên đường nếu gặp người có tính nóng.
Và cũng không ít trường hợp, các cụ ông, cụ bà than phiền mất ngủ vì những thanh niên tụ tập rồ ga, đua xe, bấm còi inh ỏi lúc đêm khuya. Cụ Nguyễn Văn Lượng (78 tuổi, ngụ phường 4, TP.Cao Lãnh) nói: “Nhà tôi cặp sát lộ, thỉnh thoảng 1,2 giờ đêm lại có vài 3 chiếc xe nẹt bô, rồ ga làm giật mình thức giấc. Tôi thì lớn tuổi mỗi khi thức giấc ngủ lại rất khó, có khi thao thức suốt đêm”. Rồi nào là xe lớn chạy ép xe nhỏ, hay thậm chí có những người ăn mặc lịch sự lại vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm,... Thật đáng buồn khi đường sá ngày càng mở rộng, các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại nhưng người tham gia giao thông lại thiếu đi phần văn hóa.
Trong giao thông, văn hóa giữ một vai trò quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta hành xử một cách mẫu mực, mà còn góp phần bảo vệ an toàn cho mỗi người. Vì vậy, thay vì hô hào chung chung những khẩu hiệu, mỗi người hãy thể hiện bằng những hành động văn hóa đi đường: xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mình, tôn trọng người khác mà còn là sự tiến bộ của một xã hội văn minh.
Theo Báo Đồng Tháp
s