leftcenterrightdel
Khu vực Đền tưởng niệm tại di tích lịch sử Bình Thành. 

Căn cứ cách mạng giữa lòng dân

Từ TP HCM, chúng tôi men theo con đường DT839 hơn 60km đường bộ để tìm đến Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An, hay còn được gọi với cái tên “Quân khu Đông thành” nổi tiếng với những sự kiện đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Với những chứng tích lịch sử còn lưu lại nơi đây, chúng tôi đã hồi tưởng về cuộc chiến tranh tàn khốc, biết bao chiến sĩ đã nằm xuống và trở về với đất mẹ. Và cũng chính nơi đây, quân và dân ta đã tạo nên những chiến thắng hào hùng, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để đi đến ngày toàn thắng, thống nhất nước nhà.

Khu di tích Bình Thành trước đây là vùng đất trũng thấp nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, có nhiều bưng trấp xen lẫn với những giồng đất cao. Đây còn là điểm tiếp giáp giữa hai miền Đông và Tây Nam Bộ, rất gần với Sài Gòn (cũ), khi mở về phía Tây có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười, mở về phía Đông có thể liên kết với chiến khu Đông Nam Bộ. 

Đặc biệt, khu vực này có vị trí liền kề biên giới Campuchia. Với vị trí ấy, lực lượng cách mạng ở Bình Thành có thể tạo được thế liên hoàn trong kháng chiến, khi thời cơ đến có thể bất ngờ đưa lực lượng thọc sâu vào sào huyệt của địch, khi nguy cấp có thể rút lui về Campuchia. Vì vậy, Bình Thành đã trở thành một căn cứ bưng biền độc đáo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực Bình Thành là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7, Văn phòng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, các sở trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ với tên gọi “Quân khu Đông Thành”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Long An đã cơ động, linh hoạt trong khu vực Bình Thành, khi ở nhà dân, khi cất chòi tranh trong bưng trấp, cán bộ giả dạng nông dân đi giăng câu, đặt lọp, có lúc lánh sang Ba Thu, lúc phát triển về Đức Hòa, Bến Lức và Giồng Ông Bạn. Các cơ quan Tuyên huấn, Binh vận, Hậu cần, Quân y cũng đóng quân rải rác trên các gò cao trong căn cứ.

leftcenterrightdel
 Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An. 

Từ căn cứ Bình Thành, Tỉnh ủy Long An đã kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, đưa phong trào cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng cách mạng đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các lãnh đạo, bảo đảm giao thông liên lạc và vai trò hành lang chiến lược nối liền miền Đông với miền Tây.

Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, căn cứ Bình Thành cũng được mở rộng ra sông Vàm Cỏ Đông và huyện Đức Hòa, Bến Lức. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Long An đã tập kết và xuất phát tại căn cứ Bình Thành để đánh vào các cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn góp phần giúp quân và dân ta giành đại thắng.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước 

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An hiện đã được đầu tư xây dựng, phục hồi, trùng tu với nhiều hạng mục, công trình. Dự án có tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng là 20,2ha, với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng. Hiện nay, đã hoàn thành những hạng mục về hạ tầng kỹ thuật. Khu di tích này cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia năm 1998.

Công trình sẽ được xây dựng, phục hồi với những hạng mục chính như: Phục hồi, phục dựng, bảo tồn nguyên trạng các di tích gốc của căn cứ như: cơ quan làm việc, xây dựng các công trình tưởng niệm, công viên, cảnh quan và các hạng mục hạ tầng khác; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên ngày xưa để tái hiện, giúp khách tham quan có thể hình dung phần nào cảnh quan, hình ảnh của vùng căn cứ xưa.

leftcenterrightdel
Hơn 25.000 anh hùng, liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc hy sinh được ghi danh trên bia tưởng niệm tại di tích.  

Trong đó, các hạng mục chính của dự án gồm: Đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống, trang trí nội thất trưng bày, phục hồi các di tích gốc như: Văn phòng Tỉnh ủy, Phòng họp Tỉnh ủy, Nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Bộ phận cơ yếu, Văn thư - in ấn và các hạng mục phụ trợ, hầm trú ẩn, hố bom, đường mòn nội bộ, cầu qua kênh,... đồng thời, đầu tư nội thất trưng bày bên trong các hạng mục này để phục vụ tham quan Khu di tích. 

Đặc biệt, Khu di tích còn có hệ thống bia ghi danh trên 25.000 anh hùng, liệt sĩ ở địa phương và mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên đất Long An qua các thời kỳ cách mạng.

Giữa vùng đất Bình Hòa Hưng (khu Bình Thành), căn cứ lòng dân năm xưa được tái hiện bằng một công trình di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa sâu sắc về truyền thống cách mạng của vùng đất này. 

Từng cụm di tích gốc, từng tấm văn bia tưởng niệm, vinh danh anh hùng, liệt sĩ cùng những hình ảnh, hiện vật trong Nhà trưng bày đều khơi dậy niềm tự hào về truyền thống trung dũng, kiên cường của người dân Long An nói riêng và toàn quân ta nói chung trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 

Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An - nơi ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại, bao chiến công oanh liệt của các thế hệ cha anh trong quá trình đấu tranh chống quân xâm lược. Biết bao thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân và dân ta đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ “địa chỉ đỏ” này. Với ý nghĩa ấy, di tích xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo và phát huy ý nghĩa lịch sử.

Những công trình tại Khu di tích lịch sử này nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày trước, nhớ về căn cứ từng là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng, gắn với bao chiến công oanh liệt, những dấu ấn lịch sử trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước…

Nam Phong