Đã 60 năm trường tồn cùng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập, nhưng mới đây, biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, “nhà xưởng” chuyên sản xuất vật dụng, trang thiết bị để bày trí tại Dinh đã bị đập bỏ. Thế nhưng, không bao lâu nữa, biệt thự này sẽ được phục dựng lại như hiện trạng cũ cùng thời với công trình kiến trúc xây dựng Dinh Độc Lập, thời của những tháng ngày làm vật dụng cung cấp cho Phủ Tống thống chính quyền Sài Gòn và cũng những ngày dài làm căn cứ bí mật để cất giấu, vận chuyển tài liệu, quân lương và cả các chiến sĩ của ta, những cán bộ cao cấp và chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM ngày nay, trước có địa chỉ là 33/5 Lăng Phú Thành, sau nữa đổi thành 6-8 Tự Đức, quận Phú Nhuận. Thời kỳ chính quyền Sài Gòn, nhà và đất trên đứng tên vợ chồng ông Mai Hồng Quế. Với danh nghĩa là nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai, bí danh Năm U.Som) dùng căn nhà làm nơi sản xuất tranh kiệt, bàn ghế, nệm, các loại màn trang trí nội thất… phục vụ trong Dinh Độc lập.
|
|
Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đứng trước căn biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. |
Thế nhưng ít ai biết, nhà thầu khoán có quyền ra vào Phủ Tổng thống thoải mái thời ấy lại chính là cán bộ cấp Tiểu đoàn, C trưởng Biệt động, đơn vị Biệt động 159, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Với lối suy nghĩ “nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”, Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đã đề xuất và được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo để dùng chính căn nhà trên làm nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác tại nội thành Sài Gòn.
Đặc biệt, năm 1964, Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai cùng vợ là bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính-Liệt sĩ) đã đứng ra bảo lãnh cho đồng chí Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc, là 2 trong 6 cán bộ tù chính trị dưới chế độ Ngô Đình Diệm còn sống và được trả về từ nhà tù Côn Đảo. Theo đó, dưới danh nghĩa là bà con của bà Phạm Thị Phan Chính, 2 cán bộ cấp cao của ta được đưa về Sài Gòn an toàn và đăng ký ở tại nhà số 6-8 Tự Đức trên. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, do yêu cầu của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, 2 cán bộ được lệnh rút ra chiến khu.
|
|
Nhà số 6- 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, TP HCM, chứng tích gắn liền với Dinh Độc Lập và gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, nơi Liệt sĩ Phạm Thị Chinh hy sinh. |
Ngay sau đó, chính quyền Mỹ - ngụy phát hiện sự “biến mất” của 2 tù nhân vừa được bảo lãnh nên đã bắt nhốt bà Chinh để tra khảo. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, nhưng bà kiên quyết không khai báo gì làm ảnh hưởng đến tổ chức mà chỉ khai là đã bảo lãnh cho 2 người anh họ, một là họ Phạm (Phạm Quốc Sắc) và một là họ Phan (Phan Trọng Bình), theo lời dặn dò của mẹ thì tên của bà có họ của 2 người anh họ trên. Vì thời điểm đó, trong thời gian hoạt động ở nội thành, tên của bà là Phạm Thị Phan Chính. Không khai thác được gì, địch buộc phải thả bà Chinh. Tuy nhiên, với di chứng nặng nề từ những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 30/9/1964, bà Chinh đã hy sinh (bà được công nhận liệt sĩ năm 1984).
Năm 1965, Quân khu chỉ thị Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai phải bán 2 căn biệt thự trên cùng một số tài sản khác là tài sản riêng của gia đình, đồng thời gửi vào nhà băng số tiền 800.000 đồng để cho cán bộ rút ra khi cần thiết, bảo đảm phục vụ chiến đấu.
|
|
Vật dụng của căn nhà đã được đem đi bán đồ nát, ông Trần Kiến Xương đang phải ngày đêm đi tìm và mua lại với hy vọng sẽ phục dựng lại nguyên trạng căn nhà. |
Từ đó đến nay, nhà số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh đã được chuyển qua nhiều đời chủ. Cách đây hơn 20 năm, khoảng những năm 1998, ông Trần Kiến Xương, con trai của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đã tìm được căn nhà cũ trên của gia đình. Với ước nguyện gìn giữ căn nhà gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc, cũng là hiện thân của tình yêu đầu tiên và cũng thật ngắn ngủi của cha và má đầu Phạm Thị Chinh (ông Trần Kiến Xương là con của người vợ thứ 2 của Anh hùng LLVTND -PV), ông Xương đã đeo bám và đặt vấn đề được mua lại căn nhà huyền thoại trên từ đó đến nay. Thế nhưng, lúc này, căn nhà đã được bán cho một chủ mới với giá hàng chục tỉ đồng.
Đến cuối tháng 3/2020, căn nhà bị đập bỏ, toàn bộ đồ đạc trong nhà đã bị mang đi bán. Nghe hung tin, ông Trần Kiến Xương lật đật chạy đến, ông như chết lặng trước cảnh tượng mất mát đó. Sau đó, không từ bỏ ý định, ông Trần Kiến Xương đã bằng mọi cách để được làm việc với chủ mới của căn nhà. Nhưng thật trớ trêu, người chủ mới của căn nhà lại đang ở nước ngoài nên việc thuyết phục người này chuyển nhượng lại cho ông căn nhà trở nên khó khăn hơn.
Song đúng như linh cảm của anh với người Má lớn của mình, sau khi nghe câu chuyện cảm động về lịch sử căn nhà và mục đích của việc được mua lại căn nhà, người chủ mới của căn nhà đã bay về Việt Nam để cùng ông Trần Kiến Xương thảo luận về việc chuyển nhượng lại nhà. Cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp. Dù đã được chủ mới đồng ý chuyển nhượng thì mọi việc vẫn chưa hết khó khăn với ông Xương, vì số tiền mua lại căn nhà quá lớn đối với ông. Để có đủ tiền mua lại căn nhà, ông phải cầm cố nhà cửa, tài sản của bản thân và gia đình...
Chia sẻ trong niềm vui, ông Trần Kiến Xương cho rằng, việc chủ nhà mới của chứng tích gắn liền với Dinh Độc Lập, với Biệt động Sài Gòn đã rất trân trọng lịch sử căn nhà và đã đặt tâm huyết cùng anh viết tiếp một giai đoạn lịch sử mới cho chứng tích này. Hiện ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, không kể ngày nghỉ, sáng sớm hay tối khuya, ông Trần Kiến Xương đã và đang cùng những cộng sự của mình tìm mua lại những vật dụng của căn nhà tại các khu vực bán đồ cũ.
Ý định của ông là sẽ vá lại căn nhà trên, phục dựng lại nguyên trạng căn nhà ở thời điểm vừa là xưởng sản xuất, vừa là cơ sở bí mật phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng đó. Ông gọi đó là “Biệt thự vá”. Và “Biệt thự vá” sẽ vẫn là một trong số hàng chục di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh gắn liền với Biệt động Sài Gòn mà gia đình ông đã chuộc lại để hiện thực hóa tâm huyết gìn giữ cho muôn đời sau biết về một lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.