Nhân dịp Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, sáng ngày 2/10, tại tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng Po Dam.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2013-2014, Sở phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học- Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thực hiện đợt khai quật khảo cổ nhóm đền tháp Chăm Po Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong), nhằm phục vụ công tác trùng tu, phục hồi một số hạng mục kiến trúc của di tích.
Đợt khai quật khảo cổ này đã làm xuất lộ nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có phiến đá chạm khắc chữ Chăm cổ dạng bia kí, ghi niên đại xây dựng tháp vào khoảng năm 710.
|
|
Bảo vật quốc gia Linga vàng Po Dam hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn |
Đáng chú ý, đã phát hiện Linga chế tác bằng vàng, có niên đại khoảng thế kỉ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; đồng thời có giá trị về lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài.
Hiện vật cao 6,4cm, đường kính ngoài 5,7cm, chu vi 17cm, trọng lượng 78,36 gam, trong đó tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4 %, còn lại là bạc và đồng.
Bảo vật quốc gia Linga vàng Po Dam được đánh giá là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mĩ thuật, tôn giáo, kĩ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.
Theo Cục Di sản văn hóa- Bộ VH,TT&DL, Linga là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc Văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam với đặc trưng nổi bật là mặt bên của phần đầu Linga gắn tượng đầu Thần Shiva.
|
|
Các góc nhìn của hiện vật quý Linga Po Dam. Nguồn: Cục Di sản văn hóa. |
Và, hiện vật Linga bằng kim loại vàng của di tích Po Dam là trường hợp duy nhất cho đến nay là loại hình Linga một phần làm bằng kim loại vàng được tìm thấy trong Văn hóa Champa.
Với những giá trị độc đáo và giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng Hồ sơ hiện vật Linga vàng Po Dam tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VH,TT&DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1, về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 29 hiện vật là bảo vật quốc gia.
Trong số 29 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này, tỉnh Bình Thuận có Linga vàng Po Dam, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
|
|
Linga vàng được khai quật tại nhóm tháp Pô Dam (Tuy Phong, Bình Thuận), di tích có 8 tháp, trong đó 4 tháp bị sụp đổ, 4 tháp hiện hữu đã được trùng tu. Ảnh: Nguyễn Phong. |
Liên quan đến các hiện vật Chăm được công nhận đợt này, ngoài hiện vật Linga vàng Po Dam thuộc tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận có 2 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỉ thứ VIII, đầu thế kỉ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỉ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm.
Các bảo vật khác được công nhận đợt này, gồm Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỉ thứ VII-VIII và Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại thế kỉ thứ VIII, cùng được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng; Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỉ thứ VIII-IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận;
Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại thế kỉ thứ IX-X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu; Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại thế kỉ thứ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; hai Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỉ thứ XI, đầu thế kỉ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.