leftcenterrightdel
Người chơi đang rao những câu vè để người cùng chơi đoán. Một trong những nét độc đáo của bài chòi chính là ở những câu rao bài, được vần vè như những câu ca dao rất thú vị.  

Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi, 5 chòi đặt hai bên, 1 chòi ở giữa, còn phía trên là bàn điều khiển. Kết thúc một lượt chơi, ban tổ chức sắp xếp lại các con bài để sử dụng cho lần chơi mới. Ban tổ chức, những người rao, phát bài, thu - chung tiền và cắm cờ phần lớn là những bậc cao niên, trưởng lão của làng.

Một bậc cao niên trong làng chia sẻ với chúng tôi: “Hội bài chòi làng Thanh Thủy Chánh đã diễn ra đều đặn từ hàng trăm năm nay, thường là từ mùng 2 đến mùng 10 Tết hàng năm. Mỗi hội bài chòi được chia thành chín cờ, mỗi cờ là một ván, khi kết thúc cờ được cắm cho một chòi thắng trong ván đó. Nét độc đáo nhất của hội bài chòi chính là những câu rao để đánh đố người chơi về các con bài. Chẳng hạn, “Ra đi mạ có dặn rồi; Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng (bồng)!” - con Bồng; “Không ăn trầu, cũng chẳng đánh son; Rứa mà cái chi cứ đỏ lói lói…”.

Như vậy có thể thấy, có rất nhiều điều thú vị từ hội bài chòi như: Các em nhỏ được biết đến một thú chơi giải trí lành mạnh và thuần Việt. Đến nữa là các cụ già, kể cả người chơi lẫn người tổ chức trò chơi như được sống lại thời của mình với những câu rao đậm chất làng quê Việt Nam. Điều thú vị nữa là các bạn trẻ yêu nhau có thể ngồi chung một chòi để cùng giúp nhau giải mã các câu rao của người hô thai (nghĩa là người rao) khiến tình cảm càng được vun đắp, mặn nồng thêm…

Nguyễn Văn Toàn