Ông Lê Văn Xê, Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết: “Làng gốm Thanh Hà đã hình thành được hơn 500 năm. Trước đây, trong làng có nhiều người theo nghề sản xuất tượng ông Táo; nhưng những năm gần đây, Hội An đã quy hoạch làng gốm để phục vụ khách du lịch nên nhiều gia đình chuyển sang làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác từ đất sét để bán cho du khách. Hiện cả làng còn 3/30 hộ vẫn giữ nghề. Sản phẩm làm ra được chuyển đi các chợ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế… tiêu thụ”.

Bà Dương Thị Ca (57 tuổi, khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP. Hội An) – một trong những nghệ nhân theo nghề chia sẻ: “Mỗi năm cứ gần đến ngày ông Táo về trời, những hộ làm tượng Táo quân ở đây lại tất bật nhào nặn đất sét lấy từ dưới lòng sông Thu Bồn (Điện Bàn), in, phơi khô, nung lửa suốt ngày đêm. Mỗi người một công đoạn, người thì loại bỏ tạp chất ra khỏi đất sét rồi nhồi cho nhuyễn, người thì bỏ đất sét vào khuôn để tạo hình, người lại đem tượng phơi khô (phải đủ 2-3 nắng hoặc sấy). Sau đó, tượng được nung 1 ngày 1 đêm, đợi 2 ngày cho nguội rồi sơn tượng bằng sơn màu”.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Văn Xê (Ban Quản lý làng nghề gốm Thanh Hà).

“Hiện tại, gia đình tôi sản xuất khoảng 30.000 ông Táo, chủ yếu cung ứng cho các thương lái với giá 1.200 – 1.500 đồng/tượng. Nhìn chung, thị trường năm nay tương đối ổn định, khách đặt hàng rất đông. Tính hết một mùa cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nghề sản xuất tượng Táo quân chỉ là nghề phụ, nghề chính của gia đình tôi là nặn tượng tò he, tượng các loại để bán cho khách du lịch”, bà Ca nói.

Ông Lê Văn Xê cho biết thêm: “Để duy trì và phát triển làng gốm Thanh Hà nói chung, nghề làm tượng ông Táo nói riêng, chính quyền cũng đã có hỗ trợ kinh phí từ việc bán vé cho khách du lịch tham quan làng gốm. Ngoài ra, chính quyền còn trao tặng Bằng khen, giấy chứng nhận hằng năm cho các nghệ nhân để động viên tinh thần, tính sáng tạo trong sản phẩm.

Mỹ Diễm - Phan Thảo