Kỳ bí hai cây lim cổ bên dòng Bạch Đằng giang
Cập nhật lúc 16:52, Thứ tư, 07/02/2018 (GMT+7)
Hai cây lim già khoảng 700 tuổi, thân vươn dài, cành lá xum xuê nằm ở trung tâm thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
|
|
Hai cây lim 700 tuổi bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. |
Đến nay, các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải nổi vì sao trải qua nhiều thăng trầm của tự nhiên, của lịch sử, kể cả khi rừng lim nơi đây bị đốn hạ làm vũ khí đánh giặc, thì riêng 2 cây lim này vẫn tồn tại.
Theo nhiều tài liệu, từ thời nhà Trần, đô thị Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay đã là một vùng đất cổ với những cánh rừng lim, táu... bạt ngàn. Cũng chính vì thế mà tướng Trần Hưng Đạo đã chọn nơi đây làm chiến địa hiểm yếu để đánh thắng quân Nguyên Mông khi lần thứ 3 sang xâm lược nước ta.
Tương truyền, hai cây lim già ở giếng rừng thuộc khu rừng lim cổ, nơi cung cấp cọc gỗ cho những trận đánh vang dội trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288 dưới sự chỉ huy của các danh tướng tài ba: Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo.
Nhiều cụ cao niên trong vùng cũng kể lại, hai cây lim trên 700 tuổi là di tích còn sót lại của những cánh rừng lim bạt ngàn ngày xưa, kéo dài từ Chí Linh (Hải Dương) qua Đông Triều đến Quảng Yên (Quảng Ninh), trong đó có 54 cây lim ở Đền Cao - Hải Dương. Một cây cao khoảng 30m, chu vi gốc 5,5m, phần thân chính cao khoảng 6m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20m. Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30m, đường kính gốc tới 7,2m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25m.
Trải qua thời gian và khí hậu khắc nghiệt nhưng hai cây lim vẫn xanh tốt như một tượng đài mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy sinh lực. Bên dưới hai tán lim cổ thụ này có hai giếng cổ gọi là giếng rừng, được xây lại bằng gạch đỏ từ thời Pháp, có đáy rất sâu. Trước đây, giếng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cả huyện Yên Hưng, lúc nào nước cũng mát, trong, luôn nhiều nước, kể cả những khi hạn hán.
Ngày nay, người dân nơi đây tôn sùng gọi hai cây lim này là “cụ lim” và chăm sóc, bảo vệ rất cẩn thận.
Hào Kiệt
Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận hai cây lim này di tích lịch sử cấp quốc gia. Một số nhà khoa học cũng đã từng đề nghị cho nhân giống hai cây lim cổ thụ để trồng thành những rừng gỗ lim quý phục vụ sản xuất và đời sống.
|