leftcenterrightdel
  Đại diện tư văn đọc hịch văn thề. Ảnh: NS

Ngày 11/2 (14 tháng Giêng), tại khuôn viên Di tích đền - chùa Hòa Liễu ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, chính quyền địa phương long trọng tổ chức hội Minh Thề - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu di tích này nằm trong cụm di tích Vương triều Mạc, vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Minh Thề là lễ hội độc đáo chỉ có tại Hải Phòng với tuổi đời lên tới gần 500 năm. Tại lễ hội, các hương chức, người dân cùng thề không tham nhũng. Tương truyền, làng Hòa Liễu xưa kia là vùng đất hoang đầy lau sậy, chỉ có chim trời trú ngụ. Khi người dân đến đây khai hoang lập ấp, đã đặt tên là Lan Điều (cách đọc khác là Lan Niều).

Tại hội Minh Thề, sau nghi lễ "chỉ trời, vạch đất", đọc Hịch văn Minh Thề, người dân làng Hòa Liễu lấy huyết kim kê (gà trống) hòa với rượu. Bắt đầu từ Trưởng làng Hòa Liễu đến các bậc chức sắc, cao niên, đại diện người dân trong làng, cùng nhau uống rượu với lời thề không tham nhũng, không trộm cắp.

leftcenterrightdel
 Nghi lễ "chỉ trời, vạch đất" tại hội Minh Thề. Ảnh: NS

Liên quan đến hội Minh Thề và Di tích đền - chùa Hòa Liễu, theo sử sách và truyền ngôn trong vùng, làng Hòa Liễu, từ cuối thế kỷ 13, chùa Hòa Liễu được xây dựng với tên Thiên Phúc Tự. Đây là một trong những chùa tháp tráng lệ của Phủ Dương Kinh xưa.

Đến triều Mạc giữa thế kỷ 16, vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung là Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã tự mình đứng ra và vận động các hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều cùng dân làng đóng góp xây dựng ngôi chùa làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên. Bà đã tự bỏ tiền ra mua hơn 25 mẫu ruộng để cúng vào chùa làm công đức.

Dân làng gọi số ruộng đó là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần cấy hái dùng vào việc tuần tiết lễ hội. Số còn lại chia cho dân đinh cày cấy,  không lấy thuế và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng để khi đói, có thể cấp đỡ cho người nghèo, cô nhân, quả phụ...

leftcenterrightdel
 Nghi lễ lấy huyết kim kê. Ảnh: NS

Vào năm 1561, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng các bậc chức sắc, cao niên trong làng lập ra Hịch văn hội Minh Thề (còn gọi là hội Minh Thệ) quy định đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng từ Hương chức đến dân thôn.

Hội Minh Thề được tổ chức ngày 14 tháng Giêng hằng năm trong khuôn viên Di tích đền - chùa Hòa Liễu. Hịch văn hội Minh Thề nêu rõ: "Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử.

Trên từ cụ già, dưới đến 18 tuổi ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ, hoa màu, mọi người đều chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử".

leftcenterrightdel
 Các vị cao niên trong làng, chức sắc và người dân truyền tay nhau uống một ngụm rượu để khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. Ảnh: NS

Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, hội Minh Thề dần bị mai một. Năm 1993, sau khi đền - chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, hội Minh Thề được khôi phục và duy trì đều đặn đến nay. Năm 2017, hội Minh Thề chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với nghi lễ thề không tham nhũng, không trộm cắp, hội Minh Thề trở thành lễ hội độc đáo thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo người dân địa phương, du khách dịp đầu Xuân. Thông qua lễ hội, người dân làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, bày tỏ sự biết ơn đến Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Hoạt động lễ hội mang những giá trị sâu sắc, độc đáo, đặc biệt có tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng lãng phí cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trúc Quyên