Theo truyền thuyết, vào khoảng năm 258 TCN, sau khi đánh bại nhà Tần, An Dương Vương lên ngôi, lập nước Âu Lạc và đóng đô tại Cổ Loa. Trong quá trình xây thành, nhà vua gặp nhiều khó khăn do thành cứ xây lại sụp. Sau khi lập đàn cầu tế trời đất, nhà vua nhận được sự giúp đỡ từ thần Rùa Vàng, biết rằng có con yêu tinh Bạch Kê Tinh quấy phá tại núi Thất Diệu Sơn (nay là núi Sái). Sau khi hành lễ tại đây, nhà vua mới có thể hoàn tất việc xây thành, tạo nền móng vững chắc cho nước Âu Lạc.

leftcenterrightdel
 Hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Thụy Lôi nói riêng và xã Thụy Lâm nói chung lại long trọng tổ chức lễ hội đền Sái, với nghi lễ rước "vua, chúa sống" bằng người thật và cả nghi lễ chém tinh gà trắng vô cùng độc đáo.

Hằng năm, vào mùa xuân, vua chúa cùng bá quan văn võ thường đến đây bái yết. Về sau, để tránh tốn kém và phiền hà cho dân, vua cho phép người dân làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) được thay mặt thực hiện nghi lễ thiên tử, xưng quan tước và cử hành các nghi thức tế lễ. Từ đó, Lễ hội rước vua tại đền Sái hình thành và trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

leftcenterrightdel
 Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Phạm Xuân Tài cùng lãnh đạo huyện Đông Anh và các đại biểu tham dự lễ hội tại Đình Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai hội năm nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Tám, nhấn mạnh những đổi mới trong Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025. Sự kiện không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống mà còn đóng góp vào quá trình thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

leftcenterrightdel
 Chỉ những cao lão trong làng được chọn làm vua, chúa và các quan trong lễ rước.

Lễ hội đền Sái với nghi thức rước vua độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, bày tỏ lòng tri ân tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Theo bà Nguyễn Thị Tám, để phát huy giá trị lễ hội trong giai đoạn mới, người dân cần chung tay bảo vệ di tích, giữ gìn di sản văn hóa, hưởng ứng phong trào thi đua xanh - sạch - đẹp và đẩy mạnh chuyển đổi số.

leftcenterrightdel
Nghi thức rước vua diễn ra trong không khí tươi vui, phấn khởi của người dân.

Lễ hội đền Sái diễn ra hằng năm từ ngày 30 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, với điểm nhấn là nghi thức rước vua giả vào ngày 11 tháng Giêng. Năm nay, lễ hội kéo dài từ ngày 28/1 đến 12/2 (tức 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu di tích lịch sử đền Sái. Các hoạt động bao gồm: Dâng hương, tế lễ, rước vua giả, biểu diễn văn hóa nghệ thuật và thi đấu thể thao.

leftcenterrightdel
 Trước mỗi đoàn kiệu rước còn có đội quân tốt nhí là cháu chắt của các bô lão cũng như các vũ công múa những điệu múa uyển chuyển, bắt mắt.

Công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo với các phương án đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, lễ hội năm nay diễn ra trong không gian sạch đẹp, đảm bảo văn minh, mang lại trải nghiệm tích cực cho người dân và du khách. Tuy nhiên, Ban tổ chức được khuyến nghị tiếp tục cải thiện việc phân luồng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các mùa lễ hội sau.

Công Ngọc