(BVPL) - Hà Nội đang “nóng” về vấn đề xử lý các lò gạch không phép ở Sóc Sơn. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này là số phận của các danh nghiệp cùng hàng loạt lao động đang điêu đứng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp và người lao động đang kêu cứu về việc việc đổ tiền tỷ vào đầu tư ròi bõng dưng nhận “trát” phá dỡ, nên rất cần một lộ trình xử lý sai phạm phù hợp.
Theo Thông báo số 65/TB-UBND kết luận của ông Đỗ Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại buổi họp xử lý các lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện, nguyên do của tình trạng trên là một số xã buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến một số chủ lò gạch tự đầu tư chuyển đổi lò gạch sử dụng công nghệ cải tiến nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo chủ trương xử lý triệt để sai phạm của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đưa ra phương án phá dỡ những lò gạch này.
Từ đó, UBND xã Bắc Phú đã ra thông báo yêu cầu các chủ lò gạch trên địa bàn phải tự phá dỡ các hạng mục công trình lò gạch vi phạm trước ngày
24/3/2016.
Tuy nhiên, khi nhận thông báo này, một số chủ lò gạch với hàng chục công nhân hốt hoảng gửi đơn đến UBND TP Hà Nội cùng các sở ngành liên quan xin một lộ trình xử lý sai phạm hợp lý vì trót đổ tiền tỷ vào đây.
|
Lò gạch với giá trị hàng chục tỷ đồng nếu như theo yêu cầu của UBND xã Bắc Phú sẽ bị phá dỡ trong vài ngày tới trở thành một đống gạch vụn |
Trong đơn gửi các cơ quan báo chí, ông Trần Văn Đạo (SN 1954), trú tại TT Sóc Sơn - huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thừa nhận việc điều hành hoạt động lò gạch khi chưa được cấp phép đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, ông Đạo cũng bày tỏ “nguồn cơn” sự việc: “Từ năm 2008 đến năm 2015, chúng tôi vẫn sản xuất gạch, mang tính nhỏ lẻ, trên địa bàn thôn Phú Tàng - Bắc Phú - Sóc Sơn - Hà Nội. Ngay từ ngày đầu, cơ sở đi vào sản xuất đã tạo điều kiện thu hút hàng trăm động địa phương. Mỗi năm, doanh nghiệp đã giúp đỡ địa phương hàng vạn viên gạch để cải tảo, sửa chữa, xây mới đình chùa, nghĩa trang, cùng một số công trình phúc lợi khác.
Khi có chính quyền địa phương có chủ trương xóa bỏ lò thủ công vì gây ô nhiễm môi trường, gia đình tôi đã đồng tình chấp hành phá dỡ lò gạch thủ công, xin chuyển đổi thành lò gạch úp vung theo công nghệ Bách Khoa và hướng dẫn thi công theo tờ trình ngày 10 tháng 3 năm 2012 đã được UBND xã ký đóng dấu.
|
Quyết định xử lý lò gạch không phép trên địa bàn xã Bắc Phú |
Đến tháng 09/2015, do hệ thống lò nung đã xuống cấp, gây mất an toàn cho người lao động, tôi đã xin sửa chữa và nâng cấp thay đổi công nghệ mới, với mục đích an toàn cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Theo ông Đạo, hệ thống lò nung gạch mới của doanh nghiệp đã đầu tư gần 20 tỷ đồng bao gồm: xây dựng lò, mua sắm trang thiết bị máy móc, 15 xe máy điện vận chuyển bảo vệ môi trường,2 máy ủi, 2 máy xúc… Trước khi đi vào hoạt động theo công nghệ lò vòng, doanh nghiệp này đã đăng ký thành HTX Đại Thắng nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương.
“Lò gạch của chúng tôi với giá trị hàng chục tỷ đồng nếu như theo yêu cầu của UBND xã Bắc Phú sẽ bị phá dỡ trong vài ngày tới trở thành một đống gạch vụn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phá sản, hàng chục lao động mất việc làm. Chúng tôi không bao biện trước sai phạm mà chỉ xin UBND TP Hà Nội và các cấp có thẩm quyền xem xét cho chúng tôi một lộ trình xử lý sai phạm hợp lý để chúng tôi khắc phục”, ông Đạo này tỏ.
|
Tờ trình đề nghị phương án xây dựng lắp đặt lò gạch thân thiện với môi trường |
Tương tự như HTX Đại Thắng, Công ty CP gạch Đức Hoà có địa chỉ tại thôn Thượng - Đức Hoà - Sóc Sơn (Hà Nội) cũng phải đối mặt với tình trạng phá sản theo lịch phá dỡ của chính quyền địa phương. Công ty này cũng bày tỏ mong muốn nhận được một lộ trình xử lý sai phạm để có cơ hội khắc phục.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Việc xử lý triệt để những lò gạch trái phép là chủ trương của UBND TP Hà Nội. Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp xã buông lỏng quản lý. Với lò gạch sai phạm không phải cưỡng chế phá dỡ ngay mà UBND cấp xã ra thông báo yêu cầu chủ lò tự tháo dỡ trong 7 ngày. Nếu chủ lò không thực hiện, chính quyền địa phương phải tiến hành kiểm tra, lập biên bản mới quyết định cưỡng chế.
Bày tỏ quan điểm về sự việc, luật sư Nguyễn Thị Hiên - Phó giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cần xem xét thấu đáo đề xuất của các đơn vị để có một lộ trình xử lý sai phạm phù hợp, được người dân đồng thuận nhất. Những lò gạch này không phải hoạt động dưới lòng đất mà nó nằm ngày trước mắt hàng loạt ban ngành, chính quyền địa phương. Vì vậy, trách nhiệm trong sai phạm này phải được làm rõ và quy cụ thể với từng cá nhân để xử lý nghiêm minh”.
Nhóm PV