(BVPL) - Trần Đình Vạn, 47 tuổi là Giáo sư Sử học của Trường Đại học Nghìn Xuân. Trên bục giảng, ông thực sự là một nhà giáo thâm hậu, có thể thâu tóm và cắt nghĩa mọi hành vi lớn, bé của các vị vua trong mọi thời đại.

 

 

Về nhà, Giáo sư Vạn  là một ông chồng hiền lành, chăm chỉ trước mặt cô Ngân từng là học sinh của Giáo sư, nay là vợ và là thủ thư thư viện của Viện Sử học Quốc gia cùng hai cô con gái choai choai, một tên là Thu, một là Xuân. Cả hai đều có khuôn mặt ưa nhìn. Cô lớn Thu mới chòm chèm 20 tuổi nhưng đã lộ ra sự thận trọng trong ăn nói và hay lo xa. Cô bé Xuân lốp chốp thích nhõng nhẽo. Gia cảnh như vậy nên tất nhiên Giáo sư Vạn là người đàn ông duy nhất trong nhà. Mọi việc mang tính dương, đầy sức mạnh và sự thông hoạt đều do Giáo sư đảm nhận. Tính tình Giáo sư hiền lành nên sau những giờ cao đàm khoát luận trên giảng đường và trong các cuộc hội thảo như vua Hùng có thích bánh chưng, bánh dày hay không, hoặc áo của Mỵ Nương dệt bằng lông ngỗng hay lông gà rừng… thì ông lại về làm mọi việc mà người đàn ông duy nhất trong nhà phải làm. Vào một ngày Chủ nhật, trong khi lau chiếc tủ đứng dạ cá chân quỳ là niềm tự hào của chính Giáo sư đã xảy ra một sự việc bất ngờ tạo ra cốt lõi của câu chuyện sau đây.


Chiếc tủ này quý vì kiểu cách của nó đã thất truyền hơn một thế kỉ nay và chưa có người thợ mộc nào có ý định khôi phục lại. Điều thứ hai, theo Giáo sư đây là chiếc tủ đã từng được một viên đô uý của Hoàng Diệu dùng để bày biện đồ gia bảo cùng ấn tín, các bùa sắc phong. Sau khi kinh thành thất thủ, viên đô uý này tuẫn tiết theo chủ nên chiếc tủ bị thất lạc. Vì Giáo sư Vạn xác định ý nghĩa lịch sử như vậy nên mặc dù bản lề cũng như vài chỗ của chiếc tủ bị thời gian làm cho hỏng hóc, có thể bị gãy hoặc sụp đổ bất cứ lúc nào, Giáo sư vẫn không tán đồng ý kiến của vợ và hai con gái: một là bán đi mua cái khác, hai là sửa lại. Riêng trường hợp này có thể khẳng định uy tín và vai trò chủ chốt trong nhà vẫn thuộc về Giáo sư Vạn. Chỉ có điều, khi Giáo sư miết khăn lau vào mặt trong thì cánh cửa tủ bung ra và gờ của cánh tủ bằng lim đã đập vào đầu Giáo sư. Chắc là cú đập khá mạnh nên khiến Giáo sư ngã vật xuống nhà. Vợ ông và con gái út chạy ra. Thấy ông nhăn nhó cố lồm cồm nhổm dậy, cô Ngân xót chồng, xuýt xoa hỏi:


- Có làm sao không?
Cô con gái thì phụng phịu:
- Chị Thu con và con đã bảo bố nhờ chú An khuân cái tủ này lên gác xép rồi bố mua một cái tủ khác vừa đẹp, vừa gọn bao nhiêu.
Vừa nghe vợ con phàn nàn như vậy, Giáo sư Vạn đang lim dim nằm dưới sàn nhà bỗng mắt mở to, bật đứng dậy. Ông đưa tay vuốt cằm bằng động tác của người có bộ râu dài, sau đó ông đằng hắng định nói thì con gái út của ông cười sằng sặc:
- Bố hay thật đấy. Râu mọc tí nào bố cạo sạch đi tí ấy, làm gì có mà …
Vợ Giáo sư thấy chồng đứng dậy bình thường, ca cẩm:
- Khiếp. Nghe tiếng đập em thót cả tim, sợ hết hồn. Vậy mà còn làm trò. Thôi, mai gọi người ta vào bán phắt cái tủ này đi, chứ cứ thế này có hôm chết người như bỡn.
Giáo sư hạ tay xuống, quắc mắt:
- Ái khanh và công chúa mặc dù là những người ruột thịt của trẫm nhưng không được lộng ngôn. Ý chỉ của trẫm là tối thượng. Từ nay, không ai kể từ ái khanh, công chúa, tể tướng đương triều hay quan thái phó, quan ngự sử có lời ngược lại. Trẫm không xem bất kì một bản sớ nào liên quan đến chiếc tủ này và coi đó là sự kháng chỉ. Trẫm sẽ trừng phạt.  
- Được rồi. Khổ quá! Có độc một cái tủ hỏng mà… Anh xem kĩ chân tay, người ngợm có làm sao không?
- Ta nói rồi. Các khanh bình thân đi. Bãi triều!
Giáo sư hất tay lên làm cô bé Xuân cười sằng sặc. Nó cười đến chảy nước mắt rồi cố nén chuỗi cười bảo:
- Bố làm không giống vua. Hôm nọ, con xem cải lương trên ti vi rồi …
- Trẫm là vua, tại sao công chúa dám nói… Ti vi là cái gì?
- Kìa bố. Hôm ấy bố cùng xem với con. Bố còn nói là tác giả vở đó viết sai lịch sử là gì.
- Trẫm đã nói rồi. Không được xàm tấu. Ta là vua. Lời của ta là ý của muôn dân.  
Nhìn bộ dạng của bố, Xuân lại rung rúc cười đến chảy nước mắt. Đợi cơn cười dứt, cô bé hỏi luôn:
- Nhưng bố là vua gì?
- Trẫm là Lê Hoàn.
- Hô! Hô! Lê Hoàn, Lê Hoàn. Úi giời ơi là giời! Trông bố kìa.
Con bé gò người xuống để tránh nhìn bộ dạng buồn cười của bố.  
- Không được loạn ngôn - Giáo sư Vạn quắc mắt nhìn con gái.
Chị Ngân xua tay dàn hòa:
- Thôi, hai bố con đừng đùa nữa. Anh dọn dẹp xong vào ăn cơm đi! Còn Xuân gọi điện xem chị con sắp về chưa. Cứ ra khỏi nhà là y như rằng mất hút. Chả biết nó đi đâu mà đi lâu thế.
- Đã bảo bãi triều sao các quan còn đứng nhốn nháo ở đó - Giáo sư nhìn vợ chằm chằm quát to.
- Thôi được rồi! Được rồi! Hôm nay, có cái gì mà tự dưng đú đởn thế không biết. Xuân gọi điện cho chị, rồi vào nhặt rau thơm cho mẹ. Canh cá mà thiếu rau sống thì có mà ...
- Mẹ! Mẹ! Bố con kìa!
Nghe tiếng thảng thốt của con gái, chị Ngân quay lại. Cô tròn mắt khi nhìn thấy Giáo sư cúi xuống cố ôm khư khư cánh tủ. Miệng rên rỉ:
-Tha cho tôi! Tha cho tôi. Vì tôi đói quá nên mới trót lấy của ông ấy. Đừng, đừng bắt tôi. Tôi còn hai đứa con gái, còn vợ. Họ đều là những người được học hành tử tế nên chịu làm sao được nỗi nhục này khi các ông bắt tôi. Xin các ông. Tôi cắn rơm, cắn cỏ … Tha cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ phạm tội nữa. Đời người cũng như lịch sử một quốc gia, một dân tộc thế nào chả có lúc thăng, lúc trầm. Khi vinh quang, lúc vận hạn. Tất cả đều do số trời. Các ông phải hiểu như vậy mà thông cảm cho hành vi của tôi.

***

 Sau vụ bị cánh tủ cũ thời Hoàng Diệu rơi trúng đầu, bề ngoài Giáo sư không có gì thay đổi: Vẫn cao 1m64 và cân nặng 54,2kg. Còn bên trong… Đã là bên trong con người nếu không tính là lục phủ ngũ tạng gồm: tim phổi, cật, gan, lòng non, lòng già, đại tràng, dạ dầy, óc thì mọi thứ đều là vô ảnh, vô hình. Nói theo lối triết học mà Giáo sư Vạn ưa dùng tức là sự hư vô. Đã hư vô thì mấy ai quan tâm, người ngoài lại càng không biết. Sự chuyển biến ấy duy nhất có một người cảm thụ được là Giáo sư Trần Đình Vạn. Giờ đây, con người tên Vạn, họ Trần, đệm Đình không còn là gã đàn ông bình thường như triệu triệu đàn ông trên dương thế này nữa. Ông tự thấy mình vốn là Lý Bạch Kim Tinh được đầu thai xuống phàm trần để gánh vác trọng trách của một thiên tử. Đã là một thiên tử phải là một ông vua anh minh. Ông lại là Lê Hoàn. Một vị vua chẳng những anh minh mà còn có tài quân sự xuất chúng. Chỉ cần một phòng tuyến Như Nguyệt mà quân Tống đã phải sứt đầu mẻ trán, cao chạy xa bay ra khỏi non sông này. Chỉ cần sai Lý Thường Kiệt ngâm bốn câu thơ trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát vào một đêm trăng lu mà lòng trăm họ qui về một mối. Chà chà. Giáo sư Vạn vẩy tay rút cây bút lông từ trong ống quản ra. Vua khuỳnh chân. Đầu bút lướt một đường trên giấy. Chữ Nam, chữ Quốc tròn trặn hiện ra. Giặc chạy rồi thì đến thời kiến quốc. Vua trong thời bình càng phải anh minh hơn. Đã là đấng minh quân thì không chỉ ngồi trên ngai vàng trị vì đất nước qua những lời tấu của chư thần. Trong đó, không thiếu những lời xàm tấu của những kẻ mang áo mão, hưởng lộc triều đình nhưng bất chấp mọi sự khốn khó của muôn dân để cầu danh, cầu phú, cầu vinh. Muốn là một minh quân thì phải đi vi hành trong nhiều tấm áo khác nhau. Có thế mới hiểu con dân sống thế nào, nghĩ ra sao về sự chăm lo cho dân của vua… ha ha ha.  


Sau khi kết thúc buổi dạy chuyên đề về sự suy vong của triều vua tiền Lê, Giáo sư Trần Đình Vạn thủng thẳng đi ra mạn Cầu Giấy. Người người ngồi trên đủ loại xe lớn, nhỏ lao vun vút trước mặt đấng minh quân. Hậu thân của Lý Bạch Kim Tinh hơi chạnh lòng, vì sao bàn dân thiên hạ thời nay ít dùng ngựa thế. Khu quần ngựa của kinh thành vì vậy mà hoang phế rồi dần dần bị những toà nhà cao tầng lấn át. Đang chau mày nhìn trần gian nhốn nháo, Trần Đình Vạn bỗng nhìn thấy một kẻ ăn mày, mặt mũi hốc hác, áo quần rách bươm, đang ngồi bệt bên vệ đường chìa hai bàn tay bẩn thỉu, dính đầy đất ra trước mặt mọi người cùng những lời rên rỉ thống thiết: “Con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại. Rón tay làm phúc ban cho kẻ nghèo hèn sắp chết đói này ít tiền mọn để sống qua ngày”. Trần Đình Vạn chầm chậm đi lại gần kẻ ăn mày khốn khổ. Vừa đi ông vừa nổi giận. Sự nổi giận của ông biến thành những lời giận dữ gầm gừ trong cổ:


- Vậy là cả triều đình từ quan đầu triều cho đến các quan hàng thứ phẩm đã đánh lừa ta. Ngày nào trong các buổi chầu, các khanh đều nhem nhẻm tấu trình những lời lừa gạt rằng thiên hạ thái bình. Khắp chợ cùng quê đều an khang thịnh vượng. Không phu phen tạp dịch. Người người, nhà nhà đều có cơm ăn áo mặc. Đêm ngủ không cần cài cửa vì không có phường thảo khấu, trộm cắp. Ngày thì…
Vị vua đứng lên chiếc cột dùng để móc dây xích chằng bên lề đường vừa bị kẻ nào đấy bẩy tung lên để lấy xích, lầm bầm: “Đúng là lũ khi quân, khi quân quá thể. Ta đang cai trị một thiên hạ không phải thái bình mà là hỗn mang khiến ta phải nhỏ lệ vì sự lầm than của trăm họ. Được rồi, kì này khi về triều, ta sẽ ra chỉ cho bộ hình, bộ lại trừng phạt những kẻ đã xàm tấu, che mắt thiên tử. Muốn tường tận mọi điều, trước tiên ta hãy nén giận để biết mọi uẩn khúc trong thiên hạ”. Thốt xong những lời của đấng minh quân, Trần Đình Vạn không để ý đến một đám người không biết từ đâu bu lại. Ông từ từ đến gần người ăn mày, cúi xuống hỏi:


- Này, người kia nghe ta hỏi đây?
Bất chấp tiếng cười khúc khích cùng những cặp mắt híp lại vì cười, Giáo sư Vạn ngửa mặt nhìn vầng dương đang bị phủ một lớp mây vần vũ. Đợi cho gã ăn mày ngước mắt lên, Giáo sư tiếp giọng trầm trầm:
- Hà cớ vì sao ngươi lại đi ăn mày?
- Ông thương con. Cho con xin ít tiền. Con đói quá. Ba hôm nay con không có miếng cơm nào vào bụng. Con không chịu được nữa rồi!
- Trông bộ dạng của ngươi rõ là một nông dân. Vậy thì sao không ở nhà đi cày. Có chịu thương chịu khó, hai sương, một nắng thì đến mùa mới có cái thu hái. Mỗi phiên lên triều, ta đều phủ dụ các quan rằng, muốn thu phục được nhân tâm thì trước hết phải lo cho trăm họ an lạc, no bụng, có công ăn việc làm. Nông dân có ruộng, phu phen có công ăn việc làm. Người cai trị cũng như người dân thường muốn tính kế lâu dài không chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc trước mắt mà dạy cho dân kế sinh nhai. Có kế sinh nhai thì dân mới yên. Phải “tích cốc phòng cơ” phòng khi thế sự có tai biến can qua. Cao hơn nữa, muốn thiên hạ thái bình, thịnh trị thì trước hết phải lo cho muôn dân “tiên chi, ưu nhi ưu, hậu chi lạc nhi lạc”:
- Ông ơi! Ông nói hay lắm. Nhưng ruộng của con có còn đâu. Người ta lấy hết để làm sân gôn, làm khu đô thị rồi.
- Cái gì? Ngươi tâu sao? Sân gôn, khu đô thị là thế nào. Nói mau.
- Những thứ ấy mà ông không hiểu thì ông nói làm gì. Ông ơi! Con đói mờ cả mắt rồi. Con chỉ muốn xin ông vài đồng lẻ để con mua nắm xôi, tấm bánh dằn lòng.
Đám đông đang đứng vòng quanh hai người cười phá. Vài ba tiếng thét lên khoái trá: “Hay, hay. Cực hay. Hơn táo ti vi nhiều”. Giáo sư Vạn trừng mắt nhìn xung quanh, đoạn vươn tay như đang đập đập xuống đầu đám đông:   
- Nghe trẫm phán đây. Con người, dù là kẻ tiện dân hay thiên tử mà để ý điều trước tiên là kim ngân, đến ăn uống, ẩm thực cùng ước muốn những thứ này càng nhiều thì hãy coi chừng trong ước muốn ấy đã chứa mầm hiểm họa khôn lường.
Đám đông ồ lên, tiếng hô hố xen với tiếng giẫm chân lịch bịch, tiếng vỗ tay ran ran như khi họ chứng kiến một pha bóng tuyệt hay. Giáo sư Vạn lắc đầu :
- Các ngươi cười gì? Rõ là không coi phép vua là rường cột. Như trẫm đây từng mang phận áo vải, trẫm hiểu nỗi cơ cực của muôn dân, nhưng nay ta là vua, đã lâu rồi không sống như dân sống. Trẫm đang sống trong nhung lụa, quyền hành. Nói một tiếng có vạn kẻ tung hô. Nhưng nếu chỉ dựa vào sự tung hô, tán thưởng đó thì trẫm làm sao có thể biến những điều thánh hiền dạy về một thiên hạ thái bình, thịnh trị. Vậy mà các ngươi… Hãy nghe trẫm tuyên đây: Nếu trẫm là hôn quân, bạo chúa thì chỉ cần những điều các ngươi làm vừa qua, trẫm đã ra lệnh xử trảm cửu tộc các ngươi rồi. Trẫm đang muốn học theo các bậc tiên đế, tu mình trị quốc để trở thành một minh quân. Trẫm lấy làm đau lòng khi thiên hạ mà ta cai trị còn những kẻ đói khát thế này. Vậy thì làm sao lòng dạ trẫm có thể an, làm sao trẫm có thể được coi là một vị vua anh minh. Ôi thiên hạ của trẫm, con dân của ta”. Giáo sư Vạn đưa tay lên che mặt. Đôi vai của ông rung lên bần bật.
- Vua khóc kìa! Vua khóc. Thấy chưa. Nước mắt thật chảy đàng hoàng lã chã. Thế mới là vua chứ. Phải thế mới là vua. Vua thương dân quá. Thương quá - một gã thanh niên reo lên thích thú.
- Lũ ranh! Im xem ông ấy còn nghĩ ra trò gì nữa.
- Trông kìa. Ông ấy cầm tay đứa ăn mày! Ông ấy kéo tay nó lên… Còn cái thằng ăn mày lại giật tay lại mới lạ chứ. Buồn cười quá mất.
- Thương, thương cái con khỉ. Toàn nói miệng, nói môi thôi. Nói ra rả từ nãy đến giờ mà có xì ra đồng xu nào đâu. Thằng ăn mày đói quá cũng xỉu rồi kia kìa.
- Ơ! Nhưng sao vua lại bỏ đi thế kia. Không ngờ ông ta đi nhanh ghê. Cứ như đang chạy trốn ấy.
Kim đồng hồ đeo tay của những người hiếu kì đứng xem Giáo sư Vạn hùng biện chỉ lúc ấy là 3 giờ 17 phút chiều. Một gã thanh niên nổ máy lao theo Giáo sư. Khi đến gần, tay này chắc là kẻ thích bông đùa, nắm vào tay áo Giáo sư giọng bỡn cợt:
- Tâu đức vua. Dân đang đói thế sao ngài lại bỏ đi không cứu vớt họ?
Sắc mặt Giáo sư Vạn hơi biến đổi. Ông hốt hoảng gạt tay kẻ bông lơn:
- Ơ hay! Cái nhà anh này. Giữa đường giữa chợ làm trò gì vậy. Tôi quen biết gì anh. Bỏ tay tôi ra. Bảy giờ tối nay, tôi lại có cuộc nói chuyện ở Thư viện Quốc gia rồi. Không biết có kịp ăn uống, sửa soạn tài liệu không. Khổ thế!

***

Người yêu của cái Thu con gái lớn của Giáo sư Vạn là cậu Thân, học trò yêu của ông. Anh chàng này đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Nghìn Xuân. Sở dĩ cậu này được Giáo sư Vạn yêu quý vì ông đã nhìn thấy ở cậu sinh viên này hai khả năng của một nhà sử học lớn trong tương lai khi cậu viết khoá luận có chủ đề “Thành Cổ Loa được xây bằng gạch bát hay thuần tuý đắp bằng đất sét”. Khi được thầy khen những luận cứ khúc triết trong khoá luận, Thân hứa với thầy sẽ phát triển đề tài này để viết luận văn về mối quan hệ giữa vật liệu xây thành của An Dương Vương với vật liệu xây tháp ở Thánh địa Mĩ Sơn. Buổi chiều hôm ấy, mặc dù vừa chia tay Thu lúc 13 giờ 15 phút thì hơn 5 tiếng vài phút tức vào hồi 18 giờ 20 phút, vị sử gia tương lai này lại hối hả hẹn gặp người yêu “vì có chuyện rất cần”. Lúc đó, đang vào giờ nấu ăn, Thu đang cầm rổ rau. Nghe tiếng gọi giật giọng của Thân qua điện thoại, Thu vội vàng chạy ào ra chỗ đứa em gái, giúi cho nó hai mươi nghìn: “Trông hộ chị một tí. Lớp trưởng chị gọi gì không biết”. Cô ả Xuân bĩu môi: “Biết rồi. Chị bận thì cứ đi để đấy em làm cho. Tiền em không lấy. Coi như một lần nợ nhé. Lúc nào em nhờ thì trả. Nhớ đấy!”. Vừa đến nơi, Thu lập tức bị người yêu túm tay kéo thẳng lên tầng thượng. Cố nén nhịp thở hổn hển, Thu hỏi ngay:


- Lại đóng tiền học hay sao?
 - Không, không. Bố em lạ lắm.
- Bố em? Mắt Thu căng hết cỡ.
- Chứ sao. Anh vừa đi qua cổng Bách Thảo, thấy người đứng vòng trong, vòng ngoài như đang xem thứ gì ấy. Anh cố len vào thì thấy thầy...
 - Tức là bố em chứ gì? Thu sốt ruột chặn ngang.
- Đúng rồi. Thầy đứng trên một rễ cây mọc ngang.
- Cái cây mà hôm em với anh ngồi ăn kem ngắm hoa sen phải không. Nhưng sao bố em lại đứng đấy?
- Để anh nói cho mà nghe. Bố em chắp tay trước ngực vừa vái mọi người vừa nói.
- Bố em vái mọi người. Anh có nhầm không đấy?
- Khổ quá. Nhầm làm sao đựơc. Vừa vái bố em vừa van vỉ. Em có đủ bình tĩnh không?
- Bình tĩnh, bình tĩnh. Sao bố van vỉ?
 - Anh nghe rõ rành rành. Bố bảo “Mong bà con tha thứ. Tôi là kẻ ăn cắp...”.
-  Sao lại thế?
 Mắt cô bé lạc đi, miệng cô lắp bắp:
- Bố em tính tốt lắm. Cô Sinh hàng xóm ra chợ đánh rơi hai trăm ba nhăm nghìn đồng, bố nhặt được còn hỏi cho ra người đánh rơi để trả kia mà ...
- Không. Không. Thầy bảo: “Tôi đã ăn cắp thời gian, lương tâm và danh dự của mọi người. Chính vì tôi lấy trộm những thứ để làm nên người tử tế của thiên hạ nên con người bây giờ hư hỏng, bừa bãi quá: không còn biết hổ thẹn khi sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu hôi thối; người ăn chuối xong vứt bừa vỏ trên đường, kẻ ăn mặc chỉnh tề trên diễn đàn nói toàn những lời hay nhưng ăn chặn đủ thứ của dân nghèo.
- Bố nói thế á?
- Thầy nói như mê sảng nhưng hay lắm, hùng tráng lắm, hấp dẫn hơn cả lúc thầy giảng về sự hư đốn của vua Trần Dụ Tông. Thầy còn bảo: Tôi còn ăn cắp danh dự của mọi người, mỗi người một tí nên toàn thể chúng ta không thấy đau lòng khi con giết cha, vợ giết chồng chỉ vì mảnh đất. Không thấy xót xa khi ngày nào cũng đầy những người nông dân mất ruộng ra ngồi hè phố chờ việc, khi hàng trăm con gái Việt Nam phải trơ mặt ra cho vài ba người nước ngoài chọn vợ...
- Anh nói không sai đấy chứ?
- Khổ quá. Anh thề đây này. Mọi người cười ầm lên rồi một lúc im lặng nghe thầy nói. Có người còn khóc, trong khi đó bố còn đến bên người khóc bảo: “Tại tôi, tại tôi”. Chỉ vì kẻ ăn cắp này nên mọi người mới khổ thế. Thầy bảo: “Ăn cắp tiền bạc, vàng còn trả được còn ăn cắp lương tâm, danh dự thì làm sao mà trả nổi. Đấy là cái nợ muôn đời có xuống hỏa ngục cũng không đáng”.
- Như thế là thần kinh bố có vấn đề rồi. Sao anh không vào kéo bố về?
-  Anh đã định thì vừa lúc ấy anh nhìn thấy thầy Lâm.
-  Lâm nào?
- Trí nhớ của em dạo này làm sao thế. Cái thầy ở cùng khoa với bố em mà bị bố em tố cáo trong Hội Đồng khoa học là đã sao chép lại công trình của Tiến sĩ Lý bên Viện Sử học ấy. Vì thế nên thầy Lâm mới không được công nhận danh hiệu Thạc sỹ và bị đưa ra khỏi Ban Lý luận nhà trường. Anh nhìn thấy rất rõ là thầy ấy cười khẩy một cái …
- Có thế thôi mà không đưa bố về? Anh thật là. Hay anh cũng cùng phe cánh với ông Lâm ấy …
- Không, không…
Trong khi cặp trai gái đang giận hờn và lo xa cho Giáo sư Vạn thì thầy giáo chỉ thiếu một chút thành Thạc sỹ lao nhanh xe vào trường và vội vã lên gặp Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiệu, Hiệu trưởng Trường Nghìn Xuân. Giọng thầy Lâm cập rập:
- Báo cáo Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng…
- Đây có phải hội thảo đâu mà mất nhiều chữ thế. Anh uống nước đi rồi nói ngắn gọn xem có chuyện gì nào?
- Vâng! Vâng! Báo cáo giáo… à, à! Vâng báo cáo anh, em… em vừa chứng kiến hiện tượng lạ thường về sự bất bình thường của thần kinh Giáo sư Trần Đình Vạn.
- Gì mà to tát thế? Hiệu trưởng Nguyễn Thiệu tủm tỉm.
- Có lẽ Hiệu trưởng nên mời đại diện của Hội Đồng khoa học nhà trường đến để em báo cáo. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì uy tín của Trường Nghìn Xuân lừng danh của chúng ta bị ảnh hưởng lớn, lúc đó…
- To tát thế kia à? Vậy thì anh cứ kể cho tôi nghe trước đi đã.
- Vâng! Vâng! Giáo sư Vạn đang tụ tập đám đông để ông ấy thú nhận là ông ấy ăn cắp…
- Ăn cắp. Tôi không nghe lầm đấy chứ?…
- Báo cáo Giáo sư, Tiến sĩ, không thể lầm đâu ạ! Vâng, vâng giữa đám đông Giáo sư Vạn công khai thú nhận ông đã ăn cắp danh dự, thời gian và lương tâm của mọi người.
- Khục khục. Khì, khì, khì… Hiệu trưởng Nguyễn Thiệu cong người lại vì không nén nổi chuỗi cười đang trào ra.
- Vậy là ông ấy diễn trò Phôn cơ lo chứ gì. Cái món ấy, ông Vạn tài lắm. Lần đi hợp tác với Đại học Xoóc bon tôi đã chứng kiến rồi. Chắc là ông ấy đang muốn thử nghiệm một hiệu ứng nào giữa đám đông cũng nên.
- Báo cáo Hiệu trưởng, nếu Hiệu trưởng chứng kiến tại chỗ mới thấy sự việc hoàn toàn không phải thế. Nghe kỹ lời ông ấy nói thì toàn những lời nói sảng nhưng nguy hiểm vì nó mang tính kích động mà bọn xấu có thể lợi dụng. Như vậy thì uy tín của trường ta sẽ như thế nào…
- Thế kia à? Kia rồi. Giáo sư Vạn đang đến. Chúng ta sẽ cùng hỏi xem hiện tượng kia có thật không?
Sau tiếng “ớ, ớ”, thầy Lâm ngồi ngây ra. Ông lại càng đóng băng khi Giáo sư Vạn đang từ từ bước vào. Hiệu trưởng Nguyễn Thiệu chủ động, đôi mắt của ông nheo nheo:
- Sao lúc này anh còn đến trường?
Giọng Giáo sư Vạn rành rẽ:
- Tối nay, tôi có buổi nói chuyện tại Thư viện thành phố, một số tư liệu, dẫn chứng tôi lại để ở trường, thành ra phải quay lại.
- À, à! Vậy là hoàn toàn tỉnh táo.
 Hiệu trưởng Thiệu nói khẽ, nhún vai nhìn thầy Lâm đang há hốc mồm theo dõi Giáo sư Vạn trong khi ông này thận trọng mở tủ lần lượt xếp từng chồng tài liệu ra để chọn lấy cái mình cần. Khi thấy Giáo sư Vạn cho tài liệu vào cặp, gật đầu chào hai người, thì Hiệu trưởng Nguyễn Thiệu giơ ngón tay trỏ lên lắc lắc trước đôi mắt mở to của thầy Lâm, nói khẽ nhưng rõ ràng:
- Nên nhớ chúng ta là trí thức, thầy giáo. Không thể, không thể…   

* * *    

 Trong khi đó cặp trai gái Thân và Thu lao nhanh về nhà vì theo như Thu nói thì phải về gặp mẹ mới rõ tình hình bởi vì mẹ vừa là nhân viên thư viện vừa là vợ nên mẹ rất hiểu tác phẩm cũng như tính tình của bố. Trái ngược với vẻ hốt hoảng của đôi trẻ, cô Ngân, vợ Giáo sư Vạn rất thản nhiên. Không rõ vì đang bận xử lý tám lạng xách bò thành món ăn mà chồng cô rất ưa thích hay vì cô đã quá quen với sự lắp bắp của Xuân khi đi cùng người yêu nó. Trong đầu cô thủ thư đang nhớ đến ý của ông chồng giáo sư khi ông khẳng định: “Không phải bỗng nhiên có sự đồng âm trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ con người kì diệu lắm. Chắc phải có hạt nhân duy lý tương ứng nào đó giữa sách viết và xách bò mà các nhà nghiên cứu chưa tìm ra”. Nghe câu được câu chăng, cô Ngân vẫn thản nhiên tính toán xem lửa thế nào và độ sôi ra sao để xách vừa chín tới, vừa giữ được độ giòn. Thấy con gái có vẻ sốt ruột vì thể trạng của bố và những nguy cơ vì cái cười khẩy của thầy Lâm, cô Ngân an ủi:


- Tốt nhất là đợi bố con về. Theo mẹ biết, buổi nói chuyện tối nay của bố chỉ có một tiếng rưỡi, gần về rồi đấy. Thu, Xuân dọn dần ra đi và chuẩn bị ngâm đá cho bố chai rượu vang.
Cô Ngân vừa dứt lời thì đã nghe thấy tiếng giày của Giáo sư Vạn bước vào nhà. Con rể tương lai trố mắt nhìn sự tỉnh táo của bố vợ. Sau hai cái giụi mắt, gã lắc đầu liên tục. Còn con gái cả thì riết róng hỏi bố về sự cố mà cô vừa nghe người yêu kể lại. Cô Ngân nghe thủng câu chuyện của con gái, bảo luôn:
- Bố cô có lúc còn làm cả vua kia.    
Giáo sư Vạn nhìn đĩa xách bò đang bốc khói và ly ruợu vang vừa rót ra sóng sánh, ông xoa tay nói to:
- Làm vua hay làm thằng ăn cắp cũng dễ thôi. Cái chính là mình có gan hay không. Nhưng tay nào mà tài thế nhỉ? Vừa đứng đầu thiên hạ lại vừa làm thằng đê tiện nhất thiên hạ thì quả là thiên tài.
 

Nguyễn Hiếu

.