BVPL - Song song với kỳ tốt nghiệp của hàng nghìn sinh viên ra trường cũng là lúc "chạy việc" vào mùa chín rộ. Và chỉ chờ có thế, các đối tượng lừa đảo thừa cơ “nước đục thả câu”, kiếm lời vô số còn người trong cuộc thì khóc dở, mếu dở.

 
Công khai “chạy việc”
 
73.800.000 kết quả trong 0,22 giây cho cụm từ "chạy việc" chỉ sau một cú click chuột. Trên các trang mạng, các diễn đàn: webtretho.com, enbac.vn, diendannganhang.com... "chạy việc" trở thành đề tài được bàn tán rôm rả. Từ vấn đề ngỏ ý muốn xin vào đâu, cần bao nhiêu tiền, những lời mời chào đầy hấp dẫn về làm việc tại vị trí nọ kia với một khoản "cảm ơn" kha khá... cho đến cả chuyện xin lời khuyên với cái giá 400 triệu đồng vào làm ở ngân hàng thì có nên không... cứ gọi là xôn xao như chợ tôm, chợ cá. 
 
Lời rao nhận "chạy việc" vào ngân hàng trên internet
 
Trong vô vàn những bình luận, phản hồi thì những thông tin "chạy việc" vào ngân hàng xem chừng có độ "sốt dẻo" nhất. Thành viên có nick name Metuancoi nhận định như đinh đóng cột: "Thi vào ngân hàng chủ yếu là hình thức thôi, phải lót tay từ trước cả rồi, chạy vào NH Đầu tư (?) mà hơn 200 đấy các mẹ ạ, bằng khá Đại học Kinh tế quốc dân hẳn hoi nhé!".
 
Một thành viên khác lại đăng lên mẩu tin quảng cáo khá thu hút lòng tin có nội dung như sau: “Chào các bạn, các bạn muốn xin vào ngân hàng, vào điện lực hay công an nhưng ko biết làm thế nào để có được vị trí mong muốn ấy? Hãy yên tâm đi, tôi sẽ giúp các bạn, nếu như các bạn thực sự quyết tâm và mong muốn, hãy gửi cho tôi một bộ hồ sơ, tôi hứa sẽ giúp được cho các bạn, tôi sẽ giúp các bạn đi vào ngân hàng bằng đường vòng, các bạn sẽ không phải mất bất cứ một cái gì hết. Độ tin cậy 99% luôn nhé, địa chỉ email của tôi là: giupbanthanhcong@gmail.com. Hãy gửi hồ sơ của bạn cho tôi thế là xong, càng nhanh càng tốt. Đừng lo, sẽ ko mất gì đâu”.
 
Với những lời giao quảng cáo như thế này, dù còn nửa vực nửa ngờ nhưng cũng khiến người ta phải đắn đo suy nghĩ khi mà muốn tìm được một việc làm ổn định trong bối cảnh thất nghiệp giờ xếp hàng đông hơn cả trước cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
 
Và không chỉ ở trên mạng internet, ngay chính ngoài đời sống thực, xung quanh quán nước vỉa hè bình dân, bữa cơm gia đình, hay cả trên bàn tiệc thịnh soạn tại một nhà hàng sang trọng với sự góp mặt của nhiều vị tai to, mặt lớn thì chuyện "chạy việc" vẫn được râm ran bàn bạc, tính đường đi nước bước ra sao, chi phí thế nào. Người dân giờ đây chẳng còn e dè thủ thỉ, xấu hổ vì chuyện đi "chạy việc" vì nó xoàng quá rồi, như trở thành một thứ "cơ chế", thứ luật bất thành văn trong xã hội. 
 
Ông bạn thân của bố mẹ tôi ở dưới quê lâu ngày mới ghé thăm, vừa bước vào cửa đã hớn hở khoe: "Anh chị ạ, cô con gái út nhà em vừa vào trường cấp II gần nhà, dạy hợp đồng hơn 1 tháng đã được vào biên chế, mất vài trăm triệu nhưng cũng còn may mà nhanh chân chứ khối đứa vào trước nó, chồng 30 triệu chỉ để xếp hồ sơ mà người ta chưa thèm ngó tới". May? Mất vài trăm triệu cho 1 suất biên chế với lương tháng chỉ đủ tiền mua sữa cho con mà ông bác vẫn kêu "may mà nhanh chân", kể cũng oái oăm! Một lão nông cả đời chắt bóp không dám ăn, dám mặc, bán ruộng, bán trâu để lo cho con được làm cô giáo trường làng cũng biết đến cuộc đua "chạy việc"; trong khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên họp thứ sáu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII chiều ngày 26/3/2012 trả lời chất vấn về vấn đề này chỉ có thể vẻn vẹn hai câu: “Dư luận về việc “chạy việc” tốn nhiều tiền của, bản thân tôi có nghe. Nội dung phản ánh mang tính bức xúc nhưng trong thực tế chỉ ra được thật khó”.
 
Lừa "chạy việc", chiêu cũ vẫn thiêng
 
Những chiêu “lừa” chạy việc đã được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều lần. Nhưng dường như cái nghề “không cần bỏ vốn, chỉ cần dẻo mồm” vẫn khiến ối kẻ “hám tiền” lao vào. Và các nạn nhân, mặc dù đã được cảnh báo, nhưng vì không biết phải nhờ cậy vào ai để tìm việc, tự dưng có người rỉ tai nhỏ to “có thể xin được chỗ này, chỗ kia”, như kẻ chết đuối vớ được cọc, vô tư “sập bẫy” ngon lành.
 
Sinh viên đi tìm việc
Trung tâm việc làm cũng là một trong tụ điểm lừa đảo "chạy việc".
 
Trong vai một sinh viên vừa tốt nghiệp, có ý định muốn xin vào làm kế toán ở một cơ quan nhà nước, PV liên hệ với các số điện thoại trong các mẩu tin quảng cáo cũng như qua các mối quan hệ khác để hỏi một cách cụ thể hơn về cách "đi đường tắt”. Sau một buổi liên lạc tới gần chục đầu mối, điều dễ nhận thấy, các đối tượng này luôn giới thiệu mình đang làm ở Bộ nọ, Vụ kia, có quan biết với nhiều vị quan chức trong nghành, có khả năng lo "việc" được. Thêm chút “phông ảnh” quần là, áo lượt, đồ đẹp, xe đẹp, khiến cho người đối diện có cảm giác họ sang quá, họ lịch sự quá, người như thế ai lại đi “lừa đảo” bao giờ.
 
Những lời lẽ quảng cáo “xin việc” như rót mật vào tai, rồi cuối cùng là động viên người xin việc muốn có chỗ ngon thì nên “chấp nhận” đầu tư, không xin được thì trả lại tiền, có giấy biên nhận tiền đàng hoảng thì có gì mà phải lo. 
 
Và khi con mồi ưng thuận, thì bên cạnh bộ hồ sơ xin việc không thể thiếu được tiền “chạy việc”, thường là một nửa, thậm chí là 2/3 số tiền chạy việc như đã thỏa thuận. Không có tiền là không làm được, có thực mới vực được đạo, nói chuyện suông, uống nước chè thì hãy đợi đấy có việc nhé! 
 
Đối tượng lừa đảo Dương Thị Tuyết tại phiên tòa.
Đối tượng lừa đảo Dương Thị Tuyết tại phiên tòa.
 
Tự “khoe” có khả năng xin việc vào công tác trong lực lượng công an, do có mối quan hệ quen biết với một số lãnh đạo ngành này, Nguyễn Thị Ngọc Quyên (SN 1978), trú tại phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến cả gần tỷ đồng chỉ bằng mấy câu nói suông. Thông qua một vài người, anh Nguyễn Văn Thủy, trú ở quận Hoàng Mai biết em trai Quyên cũng đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, nên anh Thủy tin vào những lời của thị.
 
Một số người thân sau khi được anh Thủy cho biết Quyên có “khả năng” trên cũng nhờ anh Thủy chuyển cho Quyên số tiền chi phí để lo giúp con của họ vào công tác trong ngành công an. Thủy đã nhận của gia đình anh Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1992), trú ở huyện Nam Sách, Hải Dương 125 triệu đồng; gia đình anh Ngô Hoàng Trung, ở thành phố Hải Dương 100 triệu đồng; gia đình các anh Vũ Hoàng Bắc và Lê Trung Hiếu đều trú tại TP Hải Dương, mỗi người là 120 triệu đồng. Sau đó, Thủy chuyển hết cho Quyên. Khi nhận tiền, thị hứa trong tháng 3/2010 sẽ lo cho tất cả được nhận.
 
Tuy nhiên đến hẹn, không thấy Quyên thông báo kết quả, anh Thủy hỏi thì Quyên khất lần, rồi bặt tăm. Chuyện vỡ lẽ, không có bất kì chuyện quen thân cán bộ trong nghành nào cả, thực chất là do thị làm ăn thua nỗ, nợ nần chồng chất, muốn lợi dụng chuyện "chạy việc" để kiếm tiền trang trải nợ nần, bất chấp pháp luật, bấp chất án tù đang đợi thì ở phía trước.
 
Một chiêu thức khác là ăn tiền, nhận người vào làm việc và bị sa thải chỉ trong một khoảng thời gian chóng vánh với lí do "tinh giảm biên chế". Gần đây nhất, đầu tháng 4/2012, TAND tỉnh Nghệ An vừa tuyên phạt Dương Thị Tuyết (60 tuổi), trú ở thành phố Vinh (Nghệ An) 11 năm tù giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vốn là giáo viên về hưu, nhận thấy nhu cầu “chạy” việc làm ở khu vực tỉnh Nghệ An lớn nên Tuyết đã nghĩ ra trò quen thân với nhiều cán bộ trong tỉnh, có thể xin việc hộ nhưng phải có tiền lót tay. Tin lời Tuyết, nhiều người ở các khu vực trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nộp hồ sơ và tiền cho Tuyết để nhờ Tuyết chạy việc hộ.
 
Từ cuối năm 2010, anh Hương, trú tại huyện Diễn Châu đã mang gần 59 bộ hồ sơ cùng 814 triệu đồng đến đưa cho Tuyết nhờ chạy việc cho một số người. Đợi mãi không có kết quả, biết mình bị sập bẫy lừa đảo anh Hương đến đòi lại tiền và hồ sơ thì bị Tuyết trốn tránh. Ngoài anh Hương, 11 người khác cũng bị Tuyết lừa xin được cho vào làm nhưng chưa đầy 2 tháng, với vô vàn lý do lãng xẹt, họ bị "trao trả về địa phương". Nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân, qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, số tiền mà Tuyết lừa chạy việc cho nạn nhân lên tới gần 1,2 tỷ đồng. 
 
Tại anh, nhưng phần nhiều là… tại ả
 
Thẳng thắn mà nói, tình trạng "chạy việc" diễn ra nhức nhối, với hàng loạt vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có một phần lỗi lớn bắt nguồn từ phía các nạn nhân. Tâm lý ỷ lại, năng lực, bằng cấp thì kém nhưng lại muốn làm ở những chỗ thơm…. đã khiến cho các đối tượng lừa đảo chạy việc có “đất sống”.. 
 
Không phủ nhận, ở nhiều cơ quan Nhà nước, chuyện "chạy việc, chạy chức" vẫn được nhắm mắt làm ngơ, có cả một cơ chế ngầm ưu tiên 4C (con cháu các cụ) và những người có tiền. Kết quả là chúng ta đang có một lớp cán bộ “thiếu năng lực”: 30% cán bộ phải cầm tay chỉ việc, 30% khác phải đào tạo lại từ đầu, số làm việc có năng lực thực sự chỉ là 10%. So với thiệt hại hàng trăm triệu do bị lừa đảo, dùng để chạy việc... thì việc lãng phí thời gian, Ngân sách Nhà nước cho việc đào tạo lại cán bộ và hiệu quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà những “cán bộ chạy việc” này mang lại gần như không có.
 
Nên chăng đong đếm giữa cái được và mất, Pháp lệnh Nhà nước về thi tuyển công chức cần xiết chặt hơn nữa, các nhà tuyển dụng cần minh bạch, thông báo rõ ràng hơn về nội dung, quy chế, phương thức tuyển dụng tới người lao động. Chỉ có làm được như vậy thì cuộc đua "chạy việc" may chăng mới có điểm dừng.
 
BÙI LAN