Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhiều trường vẫn lo lắng vì học sinh đến lớp không đầy đủ, một số em đến học mới vài tuần đã nghỉ vì cha mẹ dẫn đi nơi mưu sinh. Thực tế đó cho thấy, trẻ em lao động sớm vẫn còn là thực trạng trăn trở cần xã hội quan tâm hỗ trợ.

 


Thầy V.T., giáo viên một trường tiểu học ở Châu Phú cho biết, thỉnh thoảng gặp lại một số học sinh đã từng dạy, đáng lý nay các em lên lớp 6, lớp 7 thì khi được hỏi thăm tình hình học tập, các em lại trả lời đang làm “công nhân” ở Bình Dương khiến ai cũng ngỡ ngàng. Không biết bằng cách nào để những gương mặt non nớt chưa kịp phát triển này được làm công nhân một cách hợp pháp, nhưng mỗi tháng các em đã góp thêm được cho gia đình 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Đáng nói là có thuyết phục các em cũng không quay trở lại trường vì cha mẹ đều ở xa, học lực thua kém bạn bè và chính bản thân các em cũng nghĩ kiếm tiền là việc thiết thực hơn. Rất nhiều giáo viên quả quyết, con số học sinh bỏ học so với thống kê hàng năm cao hơn thực tế, còn trẻ em nói chung đi lao động sớm là việc khó khảo sát toàn diện.

Hoàn cảnh nghèo được xem là nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc học sinh bỏ học, gia đình buộc các em phải lao động sớm. Hơn nữa, không ít phụ huynh chưa nhận thức đúng về chuyện học hành của con cái, họ chỉ nghĩ đơn giản học là để có nghề nghiệp kiếm tiền, thôi thì đi làm sớm hay muộn cũng cùng mục đích. Những người được nhà trường, địa phương vận động, khuyên nhủ thì đem cái nghèo ra để đòi hỏi nhà trường và chính quyền phải hỗ trợ mới cho con đi học. Trường hợp khác, phụ huynh vừa cho con đi học, vừa bắt đi làm thêm các việc như bán vé số, nước giải khát ở bến xe, bến phà… để làm điều kiện cho con đi học. Nhận thức hoàn cảnh nghèo nhưng không phải đứa trẻ nào cũng muốn tự nguyện đi làm. Ngày nào cũng bán vé số ở bến phà Năng Gù đến tận buổi tối, được khách hỏi thăm, em T.V.N. cúi đầu trả lời lí nhí: “Mẹ con nói phải mặc đồng phục đi bán vé số thì người ta mới thương rồi mua số. Con không sợ mắc cỡ, chỉ sợ thầy cô thấy sẽ la vì không ở nhà học bài”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải rời ghế nhà trường đi làm hoặc vừa làm, vừa học ở độ tuổi còn quá nhỏ từ trước đến nay đã được phân tích và chỉ ra khá nhiều. Vấn đề là làm thế nào để thay đổi tư duy của các bậc phụ huynh, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, địa phương và gốc rễ phải đảm bảo an sinh xã hội để ngăn chặn tình trạng vì nghèo, mà cha mẹ bắt con em mình lao động sớm. Việc hỗ trợ trẻ em khó khăn có nguy cơ bỏ học chỉ mới dừng lại ở bước tiếp sức và không ít phụ huynh xem đó là “trách nhiệm” của ngành chức năng phải thực hiện với con mình. Bên cạnh những biện pháp căn cơ, đã đến lúc phụ huynh cần được đổi mới quan điểm của mình về “trách nhiệm” đối với con cái và những quyền lợi con mình đáng được hưởng.
 

Theo Báo An Giang

.