Đây là môn thi trắc nghiệm, vì vậy, thí sinh phải mang theo vào phòng thi tối thiểu gồm bút chì, tẩy, máy tính cầm tay loại được phép sử dụng.
Tại Hà Nội, 6 thí sinh đến điểm thi trường THPT Việt Đức (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) với tâm trạng thoải mái, vào phòng thi nghiêm túc.
Thi sinh Nguyễn Hồng Hiếu (trường THPT Nguyễn Thị minh khai) cho biết, làm được 50 câu hỏi trong đề thi Toán tuy 5 câu cuối khó hơn đề thi đợt 1.
Vì yêu thích môn Toán nên Hiếu dành phần lớn thời gian cho môn học này. Trước khi đi thi, cậu đọc đề thi Toán lần 1 thì khá tự tin, tuy nhiên khi cầm đề thi lần 2 trên tay, Hiếu bớt tự tin hơn. Vì vậy, Hiếu tự tin được điểm 9.
Theo Hiếu, 40 câu trắc nghiệm đầu bình thường, thí sinh học lực trung bình cũng có thể làm được, nhưng khoảng 10 câu sau sẽ phân loại được thí sinh. Có thể, năm nay nhiều thí sinh đạt nhiều ở 7,5 điểm.
Theo nhận định của thí sinh Hoàng Thế Anh (trường THPT Vân Cốc, Phúc Thọ), 30 câu đầu đề thi Toán làm được tốt, 20 câu sau hơi khó về phần hình học, đạo hàm, hàm số. Anh chỉ tự tin được khoảng 6-7 điểm vì cho rằng, đề thi Toán đợt 2 này khó hơn đề thi đợt 1.
Các thầy cô giáo Tổ Toán – Hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết, đ thi chính thức môn Toán Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 bám sát mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD-ĐT công bố; đồng thời có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Điều này bảo đảm sự an tâm cho các thí sinh vì điều kiện đăc biệt của năm 2020 phải lùi thời gian thi so với các bạn và phù hơp với tình hình chung của năm học 2019-2020.
Về nội dung kiến thức, đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung mà học sinh đã được làm quen và ôn luyện. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Nội dung đề thi vẫn chủ yếu rơi vào học kì I của lớp 12.
Về độ khó của đề thi, có khoảng hơn 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (14% tương đương 7 câu). Nhìn chung, cấu trúc này là phù hợp với mục tiêu của kì thi, những câu hỏi ở mức điểm 8, 9, 10 thuộc kiến thức lớp 11 và học kỳ I lớp 12 và nhằm mục tiêu phân hóa thí sinh. Những câu hỏi vận dụng cao có dạng thức tương tự như các câu hỏi của đề lần 1. Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều. Điều này cũng tương tự với kết quả đã công bố và phổ điểm của đề thi đợt 1.
Có thể nói, những thí sinh phải tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực về tâm lí so với các bạn đã thi nhưng nếu như biết cách tập trung ôn tập, làm quen và xử lí các câu hỏi của đề thi đợt 1, sẽ có những điều kiện để vượt qua kì thi đợt 2 một cách thuận lợi hơn.
Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm vẫn sẽ rơi ở ngưỡng 7 điểm, và vẫn có 1 khoảng hẹp dùng để phân loại thí sinh cho các mục tiêu xét tuyển đại học.
Chiều 3/9, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, sẽ công bố kết quả thi đợt 2 vào ngày 16/9. Ngoài việc điểm sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp thì hầu hết các trường đại học đều sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng rất cố gắng xây dựng đề thi đợt 2 có độ khó tương đương độ khó đợt 1.
Qua kết quả của đề thi Ngữ văn được dư luận và thí sinh đánh giá là vừa sức, không đánh đố thí sinh, và đặc biệt có độ khó tương đương đợt 1. Đây là một cách làm để hướng tới đảm bảo quyền lợi của thí sinh trong xét tuyền vào đại học, cao đẳng năm nay.
“Sau ngày 16/9, khi công bố kết quả thi đợt 2 thì lúc đó công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng mới được tiến hành đồng loạt trên cả nước. Như vậy, sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng giữa thí sinh thi đợt 1 và đợt 2. Đây là điểm mà chúng tôi muốn lưu ý cho các em thí sinh thi đợt 2 không quá lo lắng vì mọi quyền lợi của các em sẽ được bảo đảm tương đồng như thí sinh thi đợt 1” - ông Trinh cho hay.
|